Nhạc cụ tre nứa trong đời sống âm nhạc dân gian

Cập nhật: 04/01/2023
Trong cuộc sống lao động, sản xuất, sinh tồn, đấu tranh chống xâm lược, các dân tộc Việt Nam nương tựa vào tự nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên, môi trường.

Từ trong sự tương sinh đó, cây tre, cây nứa, lồ ô… đã được các cộng đồng dân tộc sáng tạo ra các nhạc cụ dân tộc độc đáo và những bản hòa âm của núi rừng, góp phần thể hiện sự gần gũi với thiên nhiên, môi trường. Sự phong phú, đặc sắc của âm nhạc truyền thống, văn hóa Việt Nam cần được tôn vinh, bảo tồn, phát huy trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế.

Nghệ nhân Ama Loan biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Ngọc Ánh

Trong nhiều năm qua, mỗi dịp có chương trình hoạt động, giao lưu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) là có mặt nghệ nhân Ama Loan, dân tộc Ê Đê, ở buôn Ea Kram, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk. Ông mang theo cả bao tải các loại nhạc cụ tre nứa từ Tây Nguyên ra “Ngôi nhà chung” để trình diễn, giới thiệu cho công chúng Thủ đô Hà Nội thưởng thức.

Ngồi trên gian hàng nhạc cụ tre nứa của mình, già Ama Loan vừa chế tác chiếc đàn goong, vừa giới thiệu cho chúng tôi biết các loại nhạc cụ được sử dụng trong môi trường diễn xướng khác nhau. Nhạc cụ đinh năm dùng để đệm khi hát aray. Đinh năm có âm thanh trầm lắng, nhưng vang xa, nên thường thổi ở đám ma, ở ngoài không gian rộng lớn như ở trên rẫy, rừng…, ít khi thổi ở trong nhà. Đinh tắk, đinh tặc tà thường thổi vào buổi sáng sớm để đánh thức bà con trong buôn dậy đi làm, vì tiếng của nó rất rộn ràng, thôi thúc. Đinh puoh là loại nhạc cụ mà già Ama Loan yêu thích nhất. Mỗi lần thổi nó, ông như được tâm sự với chính mình, âm thanh trầm lắng của đinh puoh như lời tự sự vỗ về trái tim…

Đàn môi được thổi bất kỳ vào dịp nào, lúc đi nương, lúc ru con ngủ. Đàn goong được đồng bào Ê Đê dùng để tự sự trong những đêm trăng thanh. Tiếng đàn goong diễn lại những bài của cồng chiêng bằng hình thức độc tấu. Đôi khi nhạc cụ này được sử dụng để đệm hát. Ngoài đệm hát và độc tấu, khi biểu diễn trong các lễ hội, đồng bào Ê Đê còn sử dụng 2-3 chiếc đàn goong để đánh đồng âm cùng một lúc. Riêng nhạc cụ tù và thổi để thông báo khi làng có lễ hội hoặc có người trong làng vừa mất, sáo được thổi xen kẽ khi diễn tấu cùng sử thi hoặc khi hát đối đáp…

Kho tàng nhạc cụ bằng tre trúc của đồng bào Ê Đê rất phong phú, có loại đơn sơ, có loại phải làm rất cầu kỳ. Vậy nhưng, đối với già Ama Loan, không một loại nhạc cụ nào của người Ê Đê mà ông không làm được. Già Ama Loan cho biết, từ năm lên 13 tuổi, ông đã biết chơi và chế tác các loại nhạc cụ. Đến nay, ông không thể nhớ mình đã chế tác được bao nhiêu nhạc cụ. Trong quá trình chế tác, già Ama Loan chỉ dùng tay để đo vị trí khoan lỗ và khoảng cách dài, ngắn của ống nứa mà không cần đến thước.

Ông giải thích, ống nứa phải lấy loại không quá già vì sẽ bị nặng tay, lấy non thì bị méo âm. Quả bầu phải là giống bầu truyền thống do ông tự trồng để có độ to, độ già vừa đủ và được để khô tự nhiên. Vì đã quen tay nên các nhạc cụ được ông làm rất nhanh. Mỗi ngày, Ama Loan có thể chế tác được 1 chiếc đàn đinh năm, còn các loại nhạc cụ khác thì có thể làm được từ 2 cái trở lên.

Đặc biệt, để làm đinh puoh (một loại nhạc cụ giống sáo tiêu) thì chỉ cần 5 phút, ông có thể chế tác hoàn thành một chiếc có âm thanh chuẩn. Đối với tù và, việc chế tác có phần phức tạp hơn, bởi ngày nay không còn sừng trâu để làm nên ông lấy nguyên liệu là gỗ xoan, gỗ hương, gỗ tắc để chế tác. Những chiếc tù và được làm từ các loại gỗ này cũng có âm thanh không kém so với làm bằng sừng trâu.

Các loại nhạc cụ của dân tộc do ông làm ra được nhiều người yêu thích đặt mua với giá từ 100.000 - 500.000 đồng, tùy theo từng loại. Hiện, trong nhà ông có đủ các loại nhạc cụ của người Ê Đê, vừa để giới thiệu cho du khách đến tham quan và cũng là để giữ gìn vốn quý mà cha ông để lại.

Còn nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, dân tộc Thái, ở bản Cằng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cũng thường ra Thủ đô Hà Nội, mang theo nhiều loại nhạc cụ bằng tre nứa như: đàn tập tinh, xà lò, ống lắc, khèn bè, pí lăng, tăng bu… Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp cho biết, người Thái Nghệ An thường sử dụng nhạc cụ xà lò để tự sự hoặc tỏ tình vào những đêm trăng thanh vắng. Còn khèn bè được sử dụng để đệm cho những làn điệu dân ca Thái như khắp, lăm, nhuôn, xuối…

Nhạc cụ tăng bu là những ống bương dùng để gõ trong điệu múa tăng bu. Khi múa, các “vũ công” cầm ống đứng xung quanh một tấm gỗ dài và múa. Nhịp gõ trong “tăng bu” sôi động, đều đặn theo nhịp 1-2-3…

Khi nói về vấn đề bảo tồn, phát huy nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Lương Văn Nghiệp trăn trở, nhạc cụ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền âm nhạc dân gian ở các vùng dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An nói riêng. Tuy nhiên, theo thời gian, những nhạc cụ ấy không còn được sử dụng thường xuyên, nhiều loại đã bị mai một, vì vậy, ngành văn hóa cần sớm đẩy mạnh công tác truyền dạy, bảo tồn nhạc cụ truyền thống để giữ lại “phần hồn” của dân tộc Việt Nam.

Ngọc Ánh

Nguồn: Báo Biên phòng - bienphong.com - Đăng ngày 02/01/2023