Rừng tràm Tân Tuyến (tỉnh An Giang) là khu rừng đặc dụng thuộc hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng Tứ giác Long Xuyên, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Thời gian qua, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nguồn tài nguyên tại khu vực này, đồng thời phát triển du lịch sinh thái qua đó thúc đẩy kinh tế-xã hội tại địa phương phát triển.
Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến được thành lập theo Quyết định 418/QĐ-UBND, ngày 2/3/2020 của UBND tỉnh An Giang, với tổng diện tích 256,39ha. Trong đó, diện tích tràm trồng là 7,88ha, tràm tái sinh là 74,14ha, trảng cỏ ngập nước theo mùa là 169,73ha và bờ kênh là 4,64ha. Môi trường sinh thái của đầm rừng tràm này chịu tác động mạnh mẽ của lũ từ sông Mekong và từ phía Campuchia, thuộc vùng ngập lũ sâu (khoảng 2,5 - 3,0m) của vùng phèn Tứ giác Long Xuyên. Hàng năm, khi mùa mưa đến, nước sông Mekong theo các kênh rạch mang nước lũ, có nguồn phù sa giàu dinh dưỡng và tài nguyên sinh vật tràn vào nội đồng.
Rừng tràm Tân Tuyến thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) giữ nguyên nét hoang sơ
Điều này đã tạo nên hệ sinh thái đất ngập nước ở đây có tính đa dạng sinh học cao, với 154 loài thực vật, trong đó có 1 loài được xếp vào danh lục các loài thực vật cần được bảo tồn ở thứ hạng “sẽ nguy cấp” của sách đỏ Việt Nam; 63 loài chim, trong đó có 1 loài rất nguy cấp trên quy mô toàn cầu (BirdLife International 2018); 82 loài cá, trong đó có 2 loài cá xuất hiện thuộc danh mục các loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam (2007) và sách đỏ IUCN (2014).
Trong năm qua, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến, giai đoạn 2021-2030, nhằm khai thác tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, đất ngập nước để phát triển du lịch sinh thái. Thông qua phát triển du lịch, góp phần tuyên truyền, giáo dục người dân địa phương và du khách về giá trị tự nhiên, đặc điểm sinh thái của vùng, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
Theo đề án, khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến là một khu rừng đặc dụng, các loại hình du lịch sinh thái có thể thực hiện ở khu này, bao gồm tham quan sinh cảnh và tài nguyên đất ngập nước; giải trí, thư giãn trong môi trường rừng yên bình, trong lành; khám phá các đặc trưng tiêu biểu của tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu khoa học về rừng tràm và đất ngập nước, nhất là các sinh cảnh đồng cỏ ngập nước theo mùa; trải nghiệm các nét văn hóa trong sinh hoạt, ẩm thực truyền thống của cộng đồng địa phương.
Các phân khu chức năng của khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến có: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 81,85 ha; phân khu phục hồi sinh thái 94,06 ha; phân khu dịch vụ-hành chính 80,48 ha. Trong giai đoạn 10 năm, đến năm 2030, chiến lược phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến là một trong những hoạt động chủ yếu của Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang. Đây vừa là hoạt động bảo tồn thiên nhiên, vừa góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương.
Hoạt động bảo tồn tài nguyên tại khu vực đất ngập nước gắn với phát triển du lịch được triển khai chủ yếu ở phân khu phục hồi hệ sinh thái. Chức năng chủ yếu của phân khu này là tiến hành biện pháp kỹ thuật bảo tồn và phục hồi rừng tràm; trảng cỏ ngập nước theo mùa; sinh cảnh của các loài chim nước và thủy sản; phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập. Được tiến hành loại hình du lịch sinh thái với sản phẩm du lịch, như: Đưa khách du lịch đi bằng xuồng chèo tay, xuồng máy tham quan, khám phá cảnh quan đất ngập nước (kênh, mương, rừng tràm, trảng cỏ, đầm lầy...) để khách du lịch hiểu về hệ sinh thái tự nhiên là đất ngập nước và một phần đất quê hương An Giang đại diện cho vùng đất ngập nước Tứ giác Long Xuyên.
Thời gian tới, tỉnh An Giang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn tài nguyên tại rừng tràm Tân Tuyến - Ảnh: N. Chuẩn
Tổ chức cho khách du lịch trồng tràm trên diện tích đất trống và bờ kênh được quy hoạch bởi chủ rừng để góp phần làm cho quê hương An Giang thêm xanh, đẹp, bảo vệ môi trường, phục hồi rừng bằng hành động rất cụ thể và thiết thực. Chủ rừng quy hoạch địa điểm, thiết kế trồng và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho du khách. Chủ đầu tư du lịch đầu tư cây giống, dụng cụ trồng (cuốc, xẻng), làm bảng đánh dấu số hiệu cây, bảng điện tử ghi tên người trồng và số hiệu cây để ghi nhận đóng góp của họ. Nếu du khách trở lại sẽ nhìn thấy cây mình trồng còn sống và lớn lên trên khu du lịch này.
Theo UBND tỉnh An Giang, nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến là không đánh đổi hệ sinh thái rừng tràm, đất ngập nước và tài nguyên thiên nhiên lấy giá trị kinh tế. Lượng khách phải hợp lý, không làm quá tải gây tác động đến hệ sinh thái; phải duy trì được tính “thiên nhiên” của khu rừng ngập nước. Việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng du lịch tại đây phải theo thiết kế kiến trúc hiện đại, kiểu dáng công trình phù hợp với bảo tồn và tôn vinh cảnh quan thiên nhiên của một khu rừng tràm đất ngập nước đặc dụng bảo đảm sự hài hòa về trách nhiệm và lợi ích giữa nhà đầu tư với chủ rừng và cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Thu Thảo