Khám phá Cà Mau trong một chuyến đi không định trước bằng xe máy để lại trong tôi nhiều điều thú vị…
Cột cờ tại Đất Mũi. Ảnh: vnexpress
Cà Mau có lẽ được coi là vùng đất trẻ nhất, có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng tương đối khác biệt so với phần còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long.
Cà Mau là một tỉnh ven biển ở cực nam của Việt Nam, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn bộ địa phận Cà Mau nằm trên bán đảo Cà Mau...
Tôi đọc dăm ba đoạn vắn tắt trên internet chỉ để biết đôi điều về Cà Mau trước chuyến đi lần ấy.
Nhớ lần đầu đến Cà Mau, cũng chỉ bằng một tích tắc trong suy nghĩ. Chẳng là người thương dạo ấy đang ở Cà Mau đón năm mới, tôi quyết định bỏ lại tất cả, phóng xe thần tốc xuống Cà Mau ngay đêm giao thừa.
Từ Sài Gòn xuống Cà Mau độ 6 đến 7 tiếng chạy xe, tùy tình hình thời tiết và mật độ giao thông. Nếu đi xe đò phải vòng qua Sóc Trăng và Bạc Liêu theo quốc lộ 1A để tới thành phố Cà Mau, còn nếu đi xe máy, có thể chạy tắt theo quốc lộ 61B ở ngã ba Cái Tắc, rồi men theo tỉnh lộ 980B tại ngã bảy Hậu Giang, vị chi đi tắt đường gần 70 cây. Đó là lý do tại sao lần ấy, 2 giờ chiều còn ở Sài Gòn mà 7 giờ 30 tối tôi đã có mặt tại Cà Mau.
Mới nhìn qua, TP.Cà Mau có vẻ cũng không khác mấy so với những thành phố có hơi diêm dúa một chút ở các tỉnh miền Tây, hàng quán đầy đường, không gian rộng nhưng sắp xếp lộn xộn, bảng hiệu nhấp nhô màu sắc của các tiệm đi động, đồ điện máy và gánh hàng rong gần xa.
Nói đúng thì chắc Cà Mau diêm dúa hơn chút nếu so với Mỹ Tho, Long Xuyên hay Cao Lãnh. Đại thể, nhìn nó như một cái mạng nhện tỏa ra những cầu và cầu. Cầu đây là những cây cầu nhỏ bắc qua các kênh nhỏ lớn, gắn đủ thứ đèn nhấp nháy, trông qua thì cũng thật vui mắt.
Đó là cái nhìn thoáng qua về TP.Cà Mau. Phần còn lại nằm ở con đường chạy dài xuống Đất Mũi, chia các nhánh về Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, qua Năm Căn rồi đến tận cùng của hình chữ S. Phía trên chút xíu chếch về Kiên Giang có U Minh, Trần Văn Thời.
Trong các tỉnh miền Tây, Cà Mau có lẽ là tỉnh có đường sá kém phát triển nhất. Đặc thù thổ nhưỡng đất ngập mặn bồi lắng, vươn dài bao thế hệ cây mắm, cây bần, cùng với kênh rạch chằng chịt nên có lẽ tầng đất ở đây ít nhiều khó khăn cho việc xây dựng cầu đường.
Cũng hệ thống kênh rạch chằng chịt này mà bà con ở đây vẫn còn giữ thói quen dùng vỏ lãi để đi lại. Ghe tàu trên các miền Cần Thơ cũng hay chở hàng xuống đây để phục vụ nhu yếu phẩm và vật dụng cho bà con.
Từ TP.Cà Mau, tôi chạy một vòng xuống Cái Nước, rồi vòng qua Đầm Dơi, xong ngược lại Năm Căn rồi chạy thẳng một hơi xuống xã Đất Mũi, Ngọc Hiển. Cứ thế, tôi băng qua bao cánh đồng, vuông tôm, trải dài những hàng bạch đàn nho nhỏ, cảnh sắc có lúc cũng mượt mà, có lúc cũng đơn điệu, càng về sau đường ổ gà, ổ voi nhiều quá, tôi cầm tay lái muốn mỏi nhừ, rít ga một hơi liên tục tới luôn xã Đất Mũi, Ngọc Hiển điểm cuối của con đường Cái Quan.
Xã Đất Mũi nằm sát bên bờ kênh lớn, lúc nào cũng tấp nập ghe thuyền. Trên bờ, mấy con đường bê tông nhỏ xíu dẫn vòng qua chợ lúc nào cũng hối hả người qua lại. Chợ đông đúc bà con và du khách gần xa, bán đủ hàng hóa, vải vóc áo quần đủ màu sắc, hải sản tươi sống, quán nhậu và cả mấy quán bán đồ ăn sáng, có hủ tiếu, cháo lòng, bún nước lèo...
Cảm giác đầu tiên của tôi sau khi chạy hơn 200 cây số toàn rừng và ruộng, đá đất lởm chởm, tới đây tự dưng đâu có cái chợ đông vui rộn ràng thế này, như lạc vào một thế giới hoàn toàn tách biệt.
Từ chợ Đất Mũi, chạy thêm cây số nữa là tới điểm cuối cùng của Tổ quốc. Vậy là tôi đã chạy dài hơn 500 cây số chỉ để bước chân trên con đường bê tông vòng qua biển, nơi mà mình hay nghe, mỗi năm đất nó lấn dài ra vài centimet.
Từ điểm này, nhìn xa ra mãi, cảm giác mênh mông, tít tắp vô bờ bến... Đâu đó bài hát “Áo mới Cà Mau” lại vang lên: “Nghe nói Cà Mau xa lắm/ Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam/ Ngại chi đường xa không tới/ Về để nói với nhau mấy lời”... Tôi đã không ngại đường xa, để đến được tận cùng của Tổ quốc.
Hoàng Lợi