Trong những năm qua, các di tích lịch sử, văn hóa đã góp phần thu hút du khách đến với Sóc Trăng. Do đó, việc bảo tồn, gìn giữ các di tích gắn với phát triển du lịch luôn được tỉnh quan tâm, qua việc triển khai các chính sách hỗ trợ, đề án, văn bản hướng dẫn đầu tư, tôn tạo di tích… đã đưa di tích trở thành điểm đến đặc trưng của du lịch Sóc Trăng.
Chùa Dơi, chùa Kh’Leang, chùa Chén Kiểu, chùa Đất Sét là những điểm đến quen thuộc của du khách khi du lịch đến Sóc Trăng. Hàng năm, các di tích lịch sử này thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, chiêm bái.
Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh, trong năm 2022, Sóc Trăng đón trên 810.000 lượt khách, trong đó, khách tham quan di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy trên 16.700 lượt, di tích chùa Kh'leang 57.969 lượt, chùa Dơi 100.805 lượt, chùa Đất Sét 126.414 lượt, chùa Chén Kiểu 183.311 lượt, Đền thờ Bác Hồ 13.500 lượt. Ngoài ra còn nhiều điểm di tích, kiến trúc nghệ thuật khác, như: Đền thờ Bác Hồ tại Cù Lao Dung, đình Hòa Tú, miếu bà Mỹ Đông, địa điểm Chiến thắng Chi khu Ngã Năm, miếu Thiên Hậu Thánh Mẫu, chùa Bốn Mặt, chùa Ông Bổn, chùa Bô Tum Vong Sa Som Rong… cũng thu hút khách đến tham quan, tín ngưỡng.
Với lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chùa Bô Tum Vong Sa Som Rong hiện là một trong những điểm đến nổi tiếng của Sóc Trăng. Ảnh: Xuân Nguyên
Nhận thấy các di tích lịch sử, văn hóa góp phần lớn đối với phát triển du lịch, những năm qua, tỉnh đã tiến hành đầu tư, tôn tạo, sửa chữa nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đầu tư trên 2.500 tỷ đồng để đầu tư, cải tạo và nâng cấp nhiều công trình giao thông phục vụ dân sinh và phát triển du lịch, như tuyến đường vào di tích Đền thờ Bác Hồ, Thiền viện Trúc Lâm, Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng, Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên, bãi đỗ xe và kiốt phục vụ khách tham quan tại chùa Chén Kiểu…
Trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch, từ năm 2016 đến nay, có 16 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Mới nhất năm 2022, có 3 di tích là chùa Giác Hương ở Ngã Năm, Nhà Bia ghi danh liệt sĩ Giầy Lăng ở thị xã Vĩnh Châu, đình thần Nguyễn Trung Trực ở huyện Kế Sách đã được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có 51 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong đó, có 37 di tích thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng, 10 loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, 3 loại hình di tích lưu niệm danh nhân và 1 danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Theo Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 7/7/2020 Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2025, có quy định định mức hỗ trợ đầu tư cho các di tích lịch sử, văn hóa thu hút khách du lịch, theo đó có 3 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia được 2 tỷ đồng/di tích; 6 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh được 1 tỷ đồng/di tích.
Cuối tháng 4 năm 2022, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1156/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, có các nội dung như: triển khai, khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh phải gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử; kiện toàn hệ thống quản lý khu di tích theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu, gắn kết chương trình phát triển du lịch với giáo dục truyền thống lịch sử - địa lý của tỉnh; triển khai dự án phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa về nguồn; phục dựng mô hình các trận đánh lịch sử; tập trung tôn tạo nâng cấp, trùng tu, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ; cải tạo mở rộng các tuyến giao thông đến các điểm, khu di tích…
Có thể nói, di tích lịch sử, văn hóa có vai trò quan trọng trong sự phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Sóc Trăng. Tuy nhiên, việc khai thác, phát huy các giá trị vẫn còn hạn chế. Theo đồng chí Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, cần thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống tại di tích để mọi người dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích lịch sử, văn hóa, từ đó có trách nhiệm tham gia trong công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, quan tâm thực hiện công tác xã hội hóa vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp đầu tư và tôn tạo để các di tích ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tạo ấn tượng với du khách.
Xuân Nguyên