Cổng Tam Quan và Bảo tàng Kiên Giang là hai công trình độc đáo, nổi tiếng của tỉnh, có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử và văn hóa.
Cổng Tam Quan.
Vật liệu mật mía và nhựa cây
Vốn không phải người địa phương, nhưng với tôi ấn tượng đầu tiên khi đến TP. Rạch Giá là cổng Tam Quan với màu sắc của ánh đèn rực rỡ nổi bật trong màn đêm chào đón mọi người đến với thành phố.
Bạn tôi, một người dân gốc Rạch Giá, tự hào giới thiệu: “Chiếc cổng này gần gũi như người bạn lâu năm vậy. Nó đứng đó, lặng lẽ chứng kiến sự phát triển của một thành phố biển năng động. Mỗi khi đi xa về, cổng Tam Quan thấp thoáng phía xa báo hiệu đến nhà rồi!”.
Cổng Tam Quan là công trình kiến trúc được xây dựng trên đường Nguyễn Trung Trực gần ngã tư Nguyễn Trung Trực - Lạc Hồng - tuyến chính trung tâm TP. Rạch Giá. Theo tài liệu của Bảo tàng Kiên Giang, cổng được xây dựng và hoàn thành năm 1961, dưới thời Phó Tỉnh ttrưởng Trương Văn Nam. Trong một lần ra Huế, ông Nam ngưỡng mộ công trình Ngọ Môn của Huế, nên khi về đến Kiên Giang ông mời kiến trúc sư Ba Chất thi công cổng Tam Quan.
Chị Lý Kiều Thiên Thanh - thuyết minh Bảo tàng Kiên Giang giới thiệu: “Nét đặc trưng của cổng Tam Quan là không dùng xi măng, sắt, thép mà dùng mật mía, nhựa cây ô dước, sáp, vôi, cát trộn lẫn tạo thành. Để tạo nên mái vòm cho cổng Tam Quan, ông Ba Chất dùng thân cây chuối phơi khô tạo thành. Khi mới xây dựng, cổng Tam Quan có vai trò là cổng làng khi đi vào Rạch Giá từ phía các huyện vùng U Minh Thượng và Tây sông Hậu”.
Cổng Tam Quan được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của Việt Nam, gồm có 3 ô cửa - tam quan, hình vòm cung. Cổng có 3 lối đi và cửa giữa lớn hơn cửa hai bên. Cổng có hai câu đối đắp hai bên và phần chính giữa cửa có ghi tên “Châu Thành Rạch Giá” không dấu.
“Trải qua hơn 60 năm, cổng Tam Quan được sơn mới lại nhiều lần, lắp cả hệ thống đèn. Và câu đối hai bên cũng như dòng chữ “Châu Thành Rạch Giá” cũng không còn. Tuy thế, nó vẫn là biểu tượng, là niềm tự hào của người dân Rạch Giá”, Giám đốc Bảo tàng Kiên Giang - Nguyễn Ngọc Huân chia sẻ.
Ngôi nhà 112 năm tuổi
Nhà Bảo tàng Kiên Giang hiện tọa lạc số 27 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Rạch Giá. Nhiều năm trước ngôi nhà này mang số 21 đường Nguyễn Văn Trỗi, còn có tên gọi là “Nhà Lớn”, nhà ông Ba Chiêu. Ngôi nhà là dinh thự của một địa chủ thời phong kiến, có kiến trúc đẹp và cổ kính nhất ở TP. Rạch Giá còn được lưu giữ đến nay.
Ông Trần Văn Ba - Phó trưởng Ban quản lý di tích tỉnh Kiên Giang cho biết ngôi nhà khởi nguồn là của gia đình nhà họ Trần. Ông Trần Chánh làm thầy đồ, biết làm thi phú, con rể quan tuần phủ Hà Tiên Huỳnh Mẫn Đạt. Ông Chánh lấy con gái thứ sáu của cụ Huỳnh. Trần Chánh sinh ra Trần Nhuệ. Trần Nhuệ là người có công dựng ngôi nhà. Trần Nhuệ có người con thứ ba tên là Trần Quang Chiêu, là người thừa hưởng ngôi nhà, nên ngôi nhà còn có tên gọi là nhà ông Ba Chiêu.
Nhà Lớn được khởi công xây dựng năm 1911 và khánh thành vào năm 1920. Nhà có diện tích khoảng 2.000m2, bao gồm từ đường có ba gian hai chái, sân thiên tĩnh, dãy nhà cho người hầu, người làm ở. Từ đường được xây dựng bằng gỗ đỏ và căm xe là nơi thờ cúng ông bà và tiếp khách quý.
Nhà được xây dựng liên tục trong 10 năm mới hoàn thành. Đội ngũ thợ xây, thợ mộc được thuê từ Gia Định. Thợ khắc chạm đều là thợ giỏi từ miền Bắc vào. Vật liệu xây dựng như gỗ, gạch, ngói đều mua từ miền Đông. Riêng nền nhà làm mất hết 3 năm. Đất đắp nền được lấy từ một giồng đất ở gần biển chở về và đá kè dùng để làm móng nên rất vững chắc.
Nhà có kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại. Bên trong kiến trúc theo kiểu nhà cổ, bên ngoài trang trí hoa văn theo lối kiến trúc của người Pháp.
“Ngôi nhà là loại hình di tích kiến trúc có không gian mang giá trị thẩm mỹ cao với những mảng chạm khắc điêu luyện, tinh tế và mang đậm xu thế hướng nội, cố vươn tới sự hòa nhập với thiên nhiên để tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Mọi cái hay, cái đẹp, nét cuốn hút đều tập trung vào kiến trúc nội thất. Hoa văn trang trí đủ các loại từ hoa cỏ như tùng, trúc, cúc, mai. Chim có dơi, công, phượng, trĩ... Quả có đu đủ, nho, lựu. Cùng các loại dây leo cho đến động vật...”, chị Lý Kiều Thiên Thanh giới thiệu.
Bảo tàng Kiên Giang bên ngoài trang trí hoa văn theo lối kiến trúc phương Tây, bên trong kiến trúc theo kiểu nhà cổ.
Là dinh thự đẹp, Nhà Lớn trải qua nhiều thăng trầm gắn với tiến trình lịch sử của đất nước. Năm 1946, thực dân Pháp đánh chiếm Rạch Giá, Nhà Lớn lúc ấy là ngôi nhà lớn nhất thị xã Rạch Giá, Pháp chiếm dụng làm Tòa án tỉnh Rạch Giá trong 6 năm liền.
"Nhà Bảo tàng Kiên Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm1990. Đây là một địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn không chỉ về mặt giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử của ngôi nhà mà còn là nơi tham quan, nghiên cứu về những nội dung, hình ảnh trưng bày của Bảo tàng tỉnh Kiên Giang", ông Trần Văn Ba - Phó trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh Kiên Giang nói. |
Giai đoạn 1970-1973, ngôi nhà cổ kính, rộng rãi, có hàng rào sắt kiên cố nên đoàn cố vấn Mỹ ở Rạch Giá đã thuê ngôi nhà này để làm Sở Mỹ. Gọi là Sở Mỹ nhưng hàng ngày chỉ có 4 tên Mỹ thường trực văn phòng. Riêng tối thứ bảy và ngày chủ nhật, cố vấn Mỹ ở các nơi tụ tập về rất đông để ăn chơi, nhậu nhẹt, khiêu vũ.
Từ năm 1973-1975, ngôi nhà được gia chủ cho một doanh nghiệp thủy sản của tỉnh thuê làm văn phòng. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất - năm 1975, ngôi nhà thuộc Nhà nước quản lý. Tỉnh Hội Phụ nữ Kiên Giang sử dụng làm cơ quan một thời gian ngắn, sau đó giao cho Đoàn Văn công tỉnh thuộc Ty Văn hóa Thể thao làm trụ sở, rồi giao lại làm Bảo tàng Kiên Giang đến nay.
Bài và ảnh: Thu Oanh