Nghĩa Lộ - Mường Lò - nơi có Nghệ thuật Xòe Thái được vinh danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; có Hội Hạn Khuống được đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, dịp tết đến xuân về, bức tranh di sản ấy càng thêm sắc thêm màu, khắc họa những giá trị đặc sắc riêng có của đất và người nơi đây.
Hội Hạn Khuống trong ngày xuân ở Nghĩa Lộ.
Khởi đầu một năm mới là Lễ hội Rằm tháng Giêng với các nghi thức tạ ơn thần linh, tổ tiên, ông bà và mong ước một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng bình an, người người mạnh khỏe. Tiếp đó là Lễ hội Xên Bản, Xên Mường thể hiện quan niệm tâm linh mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lòng biết ơn đối với những đấng thần linh, những người có công lập bản, lập mường.
Đặc biệt, người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò còn duy trì Lễ Xên Đông (cúng Rừng) để cảm tạ thần Rừng đã che chở cho người dân và ban cho nhiều sản vật của núi rừng. Lễ Xên Đông được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Lễ cúng được đặt dưới gốc cây cổ thụ (người Thái quan niệm đây là nơi các vị thần thường xuyên lui tới) với đầy đủ các lễ vật như vải sải, vòng bạc, trầu cau, hoa quả, xôi, gà, thủ lợn...
Ông Hà Văn Liên - Chủ tịch UBND xã Hạnh Sơn cho biết: "Lễ Xên Đông vẫn được người Thái xã Hạnh Sơn duy trì hằng năm. Lễ tuy có quy mô nhỏ, ngắn gọn nhưng có ý nghĩa sâu sắc. Ngoài việc giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ, Lễ Xên Đông còn mang ý nghĩa tâm linh giúp nhân dân yên tâm phấn khởi thi đua lao động, sản xuất”.
Trong tất cả các lễ hội, sau phần lễ là đến phần hội và không thể thiếu "Nghệ thuật Xòe Thái”. Trong tiếng trống, tiếng chiêng, mọi người say sưa nắm tay nhau hòa mình vào những điệu xòe nhịp nhàng, uyển chuyển, cảm nhận một tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Chị Lò Thị Thiêm - bản Tông Co 1, phường Tân An chia sẻ: "Xuân này, khi "Nghệ thuật xòe Thái” đã được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vinh dự bao nhiêu, chúng tôi càng thấy trách nhiệm của mình lớn bấy nhiêu trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy "Nghệ thuật Xòe Thái”.
Thực hành xòe trong đời sống, nhất là mỗi dịp lễ hội, tết đến xuân về như một điều hiển nhiên và đó cũng chính là cách bình dị, chân thành nhất để cộng đồng cùng góp sức gìn giữ di sản xòe Thái”. Hội Hạn Khuống - một hình thức hát giao duyên độc đáo mang tính đại chúng và diễn xướng sân khấu sơ khai cũng đã làm nên di sản văn hóa của vùng đất Mường Lò. Hạn Khuống được hiểu theo nghĩa đen là "sàn sân”, là nơi để trai chưa vợ, gái chưa chồng trong bản gặp gỡ, hát đối đáp giao duyên, tìm hiểu nhau, qua đó nhiều đôi nên duyên vợ chồng.
Trải qua bao thế hệ, Hạn Khuống luôn được người Thái Mường Lò gìn giữ và phát huy bởi đó là nét đẹp văn hóa có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tình cảm của mỗi người và là nơi truyền dạy, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Thái.
Cô gái trẻ Đinh Thị Tom - xã Hạnh Sơn được chọn tham gia biểu diễn Hạn Khuống cho biết: "Hát giao duyên dành cho thanh niên nam, nữ chưa lập gia đình thường có trong các đêm Hội Hạn Khuống, khi bản làng có hội. Hát giao duyên chủ yếu sử dụng làn điệu "Hăn Nê” có giai điệu trong sáng, vui tươi thể hiện khát vọng, tình cảm của trai, gái người Thái chưa lập gia đình”.
Ở Nghĩa Lộ, đồng bào dân tộc Thái chiếm gần 52% dân số. Các bản làng người Thái vẫn mang vẻ nguyên sơ với những nếp nhà sàn, lối sinh hoạt thường nhật, văn hóa ẩm thực, trang phục cùng các điệu xòe và đêm Hội Hạn Khuống trong những ngày xuân cũng là lời mời gọi du khách thập phương tìm về để trải nghiệm, cảm nhận nét xuân riêng có nơi mảnh đất này.
Thu Hạnh