Khi hoa đào, hoa mận bắt đầu khoe sắc cũng là lúc đồng bào dân tộc Mông ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu rộn ràng vui xuân, đón Tết trong niềm hân hoan và tin tưởng vào năm mới với nhiều may mắn, đủ đầy, hạnh phúc hơn.
Bản Tà Số là nơi sinh sống của hơn 320 hộ đồng bào Mông, được chia thành hai bản:Tà Số 1 và Tà Số 2. Với khí hậu mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cùng những nét văn hóa dân tộc độc đáo được bà con chú trọng gìn giữ, bảo tồn, Tà Số những năm gần đây được nhiều du khách chọn là điểm đến tham quan, trải nghiệm.
Đồng bào dân tộc Mông thường ăn Tết từ tháng 12 âm lịch, sớm hơn so với Tết cổ truyền một tháng. Trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình thường quây quần chuẩn bị những món ăn truyền thống và tổ chức nghi lễ, phong tục để xua đuổi những điều không may mắn của năm cũ và dán giấy niêm phong công cụ lao động của gia đình. Việc dán giấy lên công cụ lao động được người chủ gia đình thực hiện rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ. Người Mông xem đây như sự tri ân chiếc cày, chiếc bừa, cây dao, cây búa..., bởi trong năm, những đồ vật này đã giúp họ làm nương, làm vườn, sản xuất lương thực, thực phẩm cho gia đình.
Anh Mùa A Hạng, Bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, cho biết: Trong ngày Tết, chúng tôi gửi gắm bao ước vọng, cầu mong sức khỏe, bình an, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Để những ước vọng chính đáng đó thành hiện thực, cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, chúng tôi cũng đang nỗ lực từng ngày để giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa; cùng nhau vệ sinh môi trường, trồng nhiều loại cây, hoa tạo cảnh quan “xanh - sạch - đẹp” để làm du lịch cộng đồng, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Các em nhỏ rủ nhau đi chơi Tết.
Hòa cùng sắc màu của hoa mận và hoa đào là gam màu rực rỡ của những chiếc váy truyền thống, cùng những tiếng leng keng của đồng bạc trên người các chàng trai, cô gái đi chơi xuân. Trong những ngày đón Tết, người dân nơi đây chọn cho mình những bộ váy, áo đẹp nhất và tập trung tại sân nhà văn hóa bản để múa khèn, thổi sáo và tham gia các môn thể thao như đá bóng, bóng chuyền và các trò chơi dân gian như đánh tu lu, ném pao… Những trò chơi, những câu hát, tiếng khèn như chất xúc tác kết nối mọi người, tăng thêm tình đoàn kết của người dân nơi đây.
Múa khèn Mông.
Lên Mộc Châu đón Tết cùng đồng bào Mông chính là cơ hội để du khách khám phá những phong tục, nghi lễ cùng nét văn hóa độc đáo được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Chị Nguyễn Hoài Thu, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được đón Tết của đồng bào dân tộc Mông, nên tôi cảm thấy rất thích thú khi được hòa mình vào những điệu múa, những trò chơi đặc sắc. Cảm nhận được không khí thật tuyệt vời, người dân thân thiện, nhiệt tình và rực rỡ trong những bộ trang phục truyền thống. Nhất định tôi sẽ còn quay lại để tìm hiểu và trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.
Tu lu - trò chơi dân gian dịp Tết của dân tộc Mông.
Ông Mùa A Lứ, Trưởng bản Tà Số 2, cho biết: Đón tết năm nay, đời sống của người dân ở Tà Số đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Với sự quan tâm đầu tư của huyện Mộc Châu, đường lên bản và các tuyến đường nội bản đã được bê tông hóa, việc giao thương, buôn bán nông sản đã trở nên thuận tiện hơn. Đặc biệt, bản Tà Số còn được huyện Mộc Châu chọn và hỗ trợ làm điểm phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông, điều này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân, nên chúng tôi quyết tâm đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để làm du lịch cộng đồng, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Những tuyến đường nội bản được đổ bê tông sạch đẹp.
Một mùa xuân mới đã về nơi vùng cao Tà Số, cùng với sự quan tâm đầy ý nghĩa và thiết thực của cấp ủy, chính quyền huyện Mộc Châu, mỗi người dân ở Tà Số, xã Chiềng Hắc đang sẵn sàng bước vào một năm lao động, sản xuất mới với nhiều thắng lợi mới để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình, xây dựng bản làng ngày càng phát triển và no ấm.
Phong Lưu - Huy Thành