Hà Nội rực rỡ sắc xuân qua hội họa

Cập nhật: 16/01/2023
Nhân dịp đón Xuân Quý Mão 2023, triển lãm “Sắc màu Xuân đất nước” vừa khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), giới thiệu đến công chúng những tác phẩm xuất sắc của nhiều thế hệ họa sĩ vẽ mùa xuân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Khách tham quan triển lãm “Sắc màu xuân đất nước”.

Triễn lãm trưng bày 56 bức tranh đa dạng về chất liệu như sơn mài, sơn dầu, mầu nước, bột mầu… chọn lọc trong bộ sưu tập mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm được sáng tác trong nhiều giai đoạn, từ trước năm 1945 cho đến năm 2007.

Người yêu nghệ thuật có dịp chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm quý giá của một số danh họa nổi tiếng thuộc thế hệ Mỹ thuật Ðông Dương như: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Ðình Thọ, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Trọng Hợp... cũng như các sáng tác tiêu biểu của các họa sĩ thế hệ sau, như: Nguyễn Trọng Kiệm, Ðường Ngọc Cảnh, Trần Thanh Ngọc, Phạm Công Thành...

Tại buổi lễ khai mạc triển lãm, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh đã nhấn mạnh: “Mùa xuân và đất nước là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều loại hình nghệ thuật. Thiên nhiên cho chúng ta sắc mầu của mùa xuân tươi vui, của cỏ cây đâm chồi nảy lộc, của vạn vật sinh sôi. Mùa xuân từ khi có Ðảng là mùa xuân của độc lập, của ấm no, hạnh phúc, của niềm tin và hy vọng trên khắp mọi miền đất nước. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn thông qua triển lãm sẽ đem đến cho người xem những ấn tượng độc đáo, tốt đẹp, mang đến nhiều hứng khởi, hân hoan chào đón xuân mới”.

Với chủ đề mùa xuân đất nước, đa phần tranh tại triển lãm có đề tài phong cảnh. Qua ngôn ngữ tạo hình phong phú, đa dạng và trải nghiệm chân thực của các tác giả tại rất nhiều địa phương trên đất nước Việt Nam, người xem như được bước vào một chuyến du xuân đầy cảm xúc. Sức sống của mùa xuân, không khí rộn ràng nao nức của ngày Tết cổ truyền ngập tràn trong những tác phẩm về các địa danh nổi tiếng của Hà Nội, Thủ đô mến yêu.

Có thể kể đến các bức như: “Phố Hàng Ðường” của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, “Phố Hàng Mã” (Trọng Kiệm), “Phong cảnh Ngọc Hà” (Trần Trọng Vũ), “Gò Ðống Ða” (Trần Nguyên Ðán)… Bên cạnh đó, thiên nhiên tươi đẹp từ miền núi biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng cho đến những vùng trung du, duyên hải phía bắc, vào Tây Nguyên rồi cả biển đảo miền nam… cũng thể hiện đậm nét tinh thần của mùa xuân, đồng thời thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước. Ðôi lúc, hình ảnh con người Việt Nam cũng được khắc họa một cách cần cù, hồn hậu, lạc quan trong các bức vẽ. Dù đang hăng say lao động trên ruộng đồng, công trường, hay hân hoan chuẩn bị đón Tết... họ cũng góp phần tô điểm thêm cho bức tranh tuyệt đẹp khi đất trời vào xuân.

Nhiều tác phẩm tại triển lãm có tên gọi chỉ rõ nơi sáng tác với những đặc trưng vùng, miền rất riêng, chẳng hạn như “Pác Bó” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ hay “Một vùng Pác Bó” của họa sĩ Mai Văn Hiến, “Dưới tháp Chàm” (Trần Hữu Chất), “Tam Bạc” (Nguyễn Lương Tiểu Bạch), "Dừa Kiến An" (Phạm Viết Hồng Lam), “Làng Hà Nội trên vùng kinh tế Lâm Ðồng” (Phạm Ðức Phong), “Ðèo Nai” (Nguyễn Bá Thi)...

Bên cạnh đó, có những phong cảnh gần gũi, thân quen mà ai cũng có thể bắt gặp ở nhiều vùng nông thôn hay thành thị, như góc phố rêu phong, khu vườn tươi tốt, phiên chợ, bến sông… như trong các tác phẩm “Chợ quê” (Nguyễn Trọng Hợp), “Bồng bềnh” (Ðoàn Dũng Sỹ), “Mùa xuân” (Ðỗ Thị Ninh), “Ðình làng” (Ðặng Tin Tưởng)…

Tranh thiên nhiên miền núi cũng là một nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào cho các họa sĩ, với các bức "Chiều thứ bảy thanh bình" (Lê Xuân Dũng), “Rừng đã sáng” (Hoàng Ðăng Nhuận)… Ðến tham quan triển lãm, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên bày tỏ: "Nhiều tác phẩm trong triển lãm lần này rất quý giá bởi các tác giả là bậc thầy nền mỹ thuật Việt Nam để lại cho chúng ta. Thời kỳ đó, hoàn cảnh đất nước rất khó khăn, nhưng họ đã vẽ nên những bức tranh đầy cảm xúc. Khi tham quan những bức tranh đó, chỉ với mầu sắc đơn giản trong khổ giấy nhỏ đã khiến tôi rất xúc động và nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ khi được xem các thầy vẽ tranh".

Họa sĩ Võ Lương Nhi, tác giả bức tranh “Cây” (sáng tác năm 1997) được chọn trưng bày tại triển lãm, chia sẻ niềm vui và tự hào: “Sau gần 30 năm, giữa không khí mùa xuân, được nhìn lại tác phẩm của mình trong không gian trang trọng của triển lãm, tôi bất ngờ và xúc động. Mầu sắc tranh vẫn còn nguyên vẹn như xưa, không chút nào thay đổi và tôi chắc chắn Bảo tàng đã bảo quản và giữ gìn rất tốt”. Nữ họa sĩ là người đã thực hiện nhiều bộ tem ấn tượng chủ đề cỏ cây hoa lá, văn hóa Việt Nam… cho Bộ Bưu chính-Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông).

Với ý nghĩa mừng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023), triển lãm sẽ mở cửa đến hết ngày 15/2 để phục vụ người dân và du khách yêu thích nghệ thuật.

Cũng trong dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm “Sắc Xuân qua sưu tập tranh dân gian Tứ bình của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”, mở cửa đến hết ngày 28/2 tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Triển lãm mang đến khán giả phía nam 20 bộ tranh với các chủ đề: Tứ quý, Tố nữ, Tứ dân, Bát tiên, tranh truyện và tranh lịch sử được lựa chọn từ bộ sưu tập tranh Tứ bình đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tranh Tứ bình thường có hình ảnh và gam mầu tươi sáng, trên tranh có những câu thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm là những lời chúc phúc, cầu bình an, phú quý. Qua tranh Tứ bình, người xem ngày nay có thể hiểu phần nào quan niệm về thời gian, cuộc sống của người dân xưa, đồng thời đón nhận thông điệp về hạnh phúc, bình an cho năm mới.


Mỹ Hạnh