Giữ gìn giá trị Tết truyền thống - Cơ chế thiêng bảo tồn di sản văn hóa

Cập nhật: 17/01/2023
Không chỉ là sự kết thúc một vòng thời gian tính theo năm, Tết như một sinh hoạt mang tính lễ hội quan trọng của mỗi dân tộc. Trước những thay đổi trong đời sống và tổ chức Tết Cổ truyền của các dân tộc thiểu số hiện nay, nhìn nhận dưới góc độ di sản văn hóa đặc sắc, việc tổ chức Tết hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng cần được quan tâm.

Tôn trọng di sản văn hóa Tết

Trong kho tàng văn hóa, Tết là thời điểm tích luỹ, bùng nổ những ứng xử, nét văn hóa tốt đẹp của cộng đồng, thể hiện qua nghi lễ, phong tục cũng như các thành tố văn hóa dân gian khác như ẩm thực, trò chơi, sự trình diễn… Mỗi tộc người lại có hình thức, truyền thống đón Tết khác nhau. 

Theo TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, với hầu hết các dân tộc, ngày Tết là sum vầy, gặp gỡ giữa các thành viên trong gia đình ở xa tụ về. Tết còn là sự kết nối giữa người sống và người chết, cuối năm, gia đình nào cũng đón tổ tiên về ăn Tết. Chẳng hạn, người H'mông ăn Tết đến sáng mồng ba mới làm lễ tiễn tổ tiên; hay người Thái, người Dao… bao giờ cũng đón tổ tiên về nhà mình; thậm chí các dòng họ người Dao đón tổ tông cùng về dự... 

“Đó là sự gặp gỡ giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng, người sống và người chết, thế giới đời thường và thế giới tâm linh. Do đó, cái Tết linh thiêng, thấm đẫm giá trị sum vầy” - TS. Trần Hữu Sơn nhận định. 

Trong điều kiện các phương tiện truyền thông, mạng xã hội phát triển như hiện nay, Tết còn mang tính kết nối xuyên quốc gia, dân tộc, vùng miền. Ví dụ người Việt Nam ở trong nước và hơn 2 triệu Việt kiều ở Mỹ chia sẻ với nhau; hay cộng đồng người Thái ở Nghệ An kết nối trong câu chuyện đón năm mới với người Thái ở Mường Lò (Yên Bái)... 

Tuy nhiên, dưới tác động của toàn cầu hóa, ngày Tết cũng đang có sự biến đổi, cả về thời gian, không gian tổ chức, phong tục, tập quán… Điều đó làm cho Tết truyền thống của các dân tộc thiểu số bị mai một, thậm chí mất bản sắc. Bởi vậy, việc bảo tồn, gìn giữ giá trị Tết của các dân tộc thiểu số đang được quan tâm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, để bảo lưu, phát triển, thực hành và quảng bá giá trị Tết, cần đặt trong môi trường sản sinh thực hành văn hóa. Ngày Tết không chỉ được xem xét, đánh giá dưới góc độ kinh tế đơn thuần, mà cần được đánh giá dưới góc độ di sản văn hóa đặc sắc để có các giải pháp phù hợp thời gian tới. 

“Nhìn tổng thể, Tết là chu kỳ nghỉ ngơi để tiếp thêm năng lượng, chuyển từ khu vực sản xuất sang khu vực dịch vụ - Tết là mùa du lịch. Vì vậy, giá trị của Tết vẫn còn. Tết cũng là cơ hội để các giá trị văn hóa được bảo tồn, khoe sắc, nở rộ. Có thể nói, Tết là cơ chế thiêng bảo tồn di sản văn hóa. Hệ giá trị gia đình, hệ giá trị của cộng đồng thể hiện rất nhiều ở Tết” - TS. Trần Hữu Sơn nói. 

Tôn trọng tính đa dạng

Hiện nay, đời sống của người dân các dân tộc thiểu số được nâng cao, việc cố kết cộng đồng, tìm hiểu cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc đang trở thành nhu cầu quan trọng. Tuy nhiên, thời điểm tổ chức Tết cổ truyền của các dân tộc ở Việt Nam diễn ra không giống nhau. Ví dụ, người H'mông ăn Tết trước Tết Nguyên đán 20 ngày đến 1 tháng. Khi đồng bào làm nông nghiệp, điều này ít ảnh hưởng như khi họ làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp.

Hiện nay, chính quyền địa phương ở một số tỉnh như Trà Vinh, Hậu Giang, Ninh Thuận, An Giang… đã công nhận ngày Tết của người Chăm, người Khmer, đồng thời chính quyền các tỉnh, cơ quan cũng cho công chức, viên chức, học sinh, công nhân nghỉ Tết theo lịch cổ truyền. Nhưng ngày Tết cổ truyền của một số dân tộc chưa được công nhận và có chính sách nghỉ Tết để người lao động các dân tộc thiểu số có thể tham dự ngày Tết của dân tộc mình.

TS. Trần Hữu Sơn cho rằng, bảo tồn, giữ gìn Tết truyền thống cần tôn trọng đồng bào và có nhận thức của người trong cuộc. Từ đó có cơ chế, chính sách về Tết, nêu rõ việc nghỉ Tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian nghỉ Tết và các chính sách khác liên quan đến hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các vùng khó khăn, bố trí ngân sách địa phương cho hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống cộng đồng…Ngày Tết luôn gắn liền với đời sống tâm linh, vì vậy, cần tôn trọng tính đa dạng văn hóa trong việc đón Tết cũng như xây dựng chính sách tổ chức hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng các dân tộc. Ở địa phương nào, người dân vẫn tổ chức ăn Tết truyền thống theo tộc người thì cần tôn trọng nguyện vọng của người dân, không gộp Tết truyền thống vào Tết Nguyên đán. Với các dân tộc đã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán lâu năm thì chính quyền cần tôn trọng nguyện vọng của đồng bào, không tác động để người dân quay lại với Tết cổ truyền.

Theo TS. Trần Hữu Sơn, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay có 4 hình thức đón Tết theo thời gian cụ thể, theo lịch cổ truyền của các dân tộc.

Hình thức thứ nhất, đồng bào các dân tộc thiểu số đón Tết năm mới là Tết Nguyên đán. Đó là các dân tộc Mường, Thổ, Chứt, Mảng, Kháng… (vùng Tây Bắc); các dân tộc Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Cao Lan - Sán Chỉ, Pà Thẻn, H'mông… (vùng Đông Bắc); dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An… Những dân tộc này vẫn giữ gìn được các phong tục cổ truyền nhưng thời gian đón Tết thống nhất với Tết Nguyên đán của người Kinh.

Hình thức thứ hai, các dân tộc đón Tết năm mới cổ truyền theo lịch riêng của từng dân tộc. Đó là các dân tộc H'mông ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ với Tết Nào Pồ Trầu; người Hà Nhì Hoa ở Lai Châu, Điện Biên với Tết Hồ Sự Chà; người Cống ở Điện Biên với Tết Ủy La Lóng; người La Hủ ở Lai Châu với Tết Khộ Xớ; người Si La ở Lai Châu và Điện Biên với Tết Ồ Xị Già; người Chăm đón Tết Rija Nưgar; người Khmer Nam Bộ đón Tết Bon Chôl Chnam Thmây…

Hình thức thứ ba, các dân tộc ở Trường Sơn, Tây Nguyên như Gia Lai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng… ở Tây Nguyên không quan niệm ngày Tết mà đón Tết cả một thời gian dài từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.

Hình thức thứ tư, người Tà Ôi, người Bru - Vân Kiều trước kia ăn Tết vào mùa khô như các tộc người ở Tây Nguyên, nhưng từ vài chục năm gần đây đã chuyển sang ăn hai Tết, cả Tết Nguyên đán theo lịch chung của người Kinh và cả Tết cổ truyền của riêng họ.

Ăn Tết theo Nguyên đán chỉ có 29 dân tộc, hầu hết dân tộc còn lại vẫn tồn tại hình thức ăn Tết theo lịch riêng của dân tộc mình. Các dân tộc ở Tây Nguyên và Bắc Trường Sơn không có ngày ăn Tết cụ thể mà cả một mùa Tết - mùa lễ hội.

Ngọc Phương

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân - daibieunhandan.vn - Đăng ngày 17/01/2023