Đến Vịnh Hạ Long, khách sẽ có một chuyến tham quan bằng thuyền với lịch trình tối thiểu là bốn giờ đồng hồ tới hai điểm là Động Thiên Cung và Hang Đầu Gỗ. Năm 1962, Bác Hồ cũng đã từng tới đây thăm hang và ngắm cảnh Vịnh Hạ Long. Gần đây, trong dịp Lễ hội Du lịch Hạ Long, tại Hang Đầu Gỗ đã có một cuộc hòa nhạc lớn.
Cách đây 10 năm (1999), hang này đã được tôn tạo, nâng cấp. Con đường vào hang có 90 bậc, ngoài ra còn có một đường hành lang dài 500 mét bao quanh hang.
Động Thiên Cung và Hang Đầu Gỗ gần nhau. Sau khi tham quan Động Thiên Cung, khách đi theo con đường trên đỉnh Động Thiên Cung chừng 300 mét là tới Hang Đầu Gỗ.
Nhưng nếu Động Thiên Cung được chăm sóc tốt, hệ thống đèn lade tôn lên cảnh quan một động đá vôi đẹp thì Hang Đầu Gỗ lại thiếu bàn tay người chăm sóc, nếu không nói là quá nhếch nhác. Trong hang le lói dăm ngọn đèn lade, ánh sáng mặt trời hắt vào từ cửa hang cho thấy dấu vết của sự hoang tàn.
Bên dưới thềm động cát tràn vào, cỏ cây bám vào vách đá, con đường bao quanh hang trơ trọi, vài người khách nhón chân định bước lên, rồi sợ nguy hiểm lại thôi.
Ngay cửa Hang Đầu Gỗ có bia do vua Khải Định cho khắc bài thơ của ông ca ngợi vẻ đẹp của Hang Đầu Gỗ (vào mùa xuân năm Nhâm Tuất - 1919 khi vua Khải Định và toàn quyền Pháp Paul Doumer ghé đến đây).
Bia đá này cao 1 mét được dựng vững chắc nhưng chi chít chữ viết, vết khắc những dòng chữ lăng nhăng, thậm chí có cả tên họ của những người vô ý thức.
Vịnh Hạ Long đang được cả thế giới quan tâm, Hang Đầu Gỗ là một địa chỉ quan trọng của Vịnh, để nhếch nhác như trên thật không phải.