Nối liền với Chân Mây, Lăng Cô (Huế), Cảnh Dương là một bãi biển đẹp, nổi tiếng từ lâu. Tuy nhiên, cách quản lý, sắp xếp các hoạt động dịch vụ tại đây chưa ổn, khiến cho cảnh quan của bãi biển xinh đẹp này ít nhiều bị thương tổn..
Và cũng vì thế, bãi biển Cảnh Dương trở thành một địa chỉ kiếm sống cho nhiều người địa phương. Tuy nhiên, cách thức quản lý, tổ chức, sắp xếp các hoạt động dịch vụ tại đây chưa ổn, khiến cho cảnh quan của bãi biển xinh đẹp này ít nhiều bị thương tổn. Dễ thấy nhất là các hàng quán ăn uống được dựng lên tạm bợ, nối san sát liền nhau và kéo dài suốt bãi biển.
Một vài lần trò chuyện với du khách và các nhà doanh nghiệp du lịch quen biết, họ đều cho rằng, khi chọn địa điểm để đầu tư cho khách sạn hay một khu resort cũng như khi chọn địa điểm để nghỉ ngơi, thư giãn, tiêu chí đầu tiên là địa điểm đó có “good view” hay không - nôm na là khi đứng ở đó cảnh quan thu vào tầm mắt chúng ta có đẹp hay không.
Những dãy hàng quán tạm bợ với nhiều loại vật liệu, màu sắc khác nhau, từ lá, tranh cho tới màn, bạt… được dăng ngang một hàng sát mép nước vô hình chung đã tước mất của Cảnh Dương cái good view đó.
Những hàng quán này do được bố trí quá gần biển nên cũng nghiễm nhiên chiếm hết diện tích bãi - nơi mà lẽ ra người đi biển có thể tổ chức chơi kéo co, bóng đá, bóng chuyền bãi biển hay thả diều.
Một rẻo cát từ phía trước các dãy hàng quán cho đến mép nước thì lại cho xe cộ chạy thả dàn, từ ô tô tải, ô tô khách cho đến xe máy. Tất tật chạy vô tư khiến cho cát bị nén chặt, vừa hỏng bãi vừa không an toàn cho du khách. Đôi khi đó còn là đường đi cho các đàn gia súc.
Cảnh Dương về cơ bản vẫn là một bãi biển dân dã và hoang sơ. Nếu không để mắt, không đầu tư mà cứ để mọi thứ phát triển tự phát thì sẽ không phát huy được tiềm năng mà, về lâu dài, không khéo sẽ hỏng luôn bãi biển.