Ninh Bình - trục kết nối du lịch các điểm đến vệ tinh ở vùng đồng bằng sông Hồng

Cập nhật: 21/01/2023
Nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, địa bàn chiến lược quan trọng - nơi lưu giữu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc, tỉnh Ninh Bình còn được thiên nhiên ưu đãi có lợi thế đặc biệt về du lịch với định hướng trở thành một trung tâm du lịch của Vùng và đất nước. Cùng Hà Nội và Quảng Ninh, tỉnh Ninh Bình đang đẩy mạnh hợp tác liên kết với nhiều tỉnh thành khác, để tạo ra một trục tam giác liên kết các điểm đến vệ tinh trong vùng. Về nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.

PV: Xin ông cho biết về sự phục hồi và phát triển của du lịch Ninh Bình sau 3 năm xảy ra đại dịch Covid-19?

Ông Bùi Văn Mạnh: Tỉnh Ninh Bình đã thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển ngành du lịch sau dịch Covid-19 từ tháng 11 năm ngoái, chia ra 3 giai đoạn. Đó là mở cửa trong nội tỉnh, ngoại tỉnh và đến tháng 2/2022 mở cửa hoàn toàn hoạt động. Lượng khách quốc tế đến Ninh Bình bắt đầu tăng kể từ đó. Các doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng các dịch vụ và có các sản phẩm mới như Phố cổ Hoa Lư, đầu tư thêm các hạng mục để đưa vào khai thác các tuyến du lịch mới.

Hiện nay, sự phục hồi về du lịch của Ninh Bình được đánh giá tương đối tốt. Lượng khách đến ở toàn tỉnh đạt khoảng 3,7 triệu lượt, trong đó có gần 100.000 khách quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của niều ngành, lĩnh vực khác. Chúng tôi rất phấn khởi là tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch sau đại dịch của tỉnh đạt đến 95% so với kế hoạch đề ra.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.

PV: Thưa ông, cùng với Hà Nội và Quảng Ninh..., Ninh Bình đang đẩy mạnh hợp tác với 10 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Theo ông, tính liên kết này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cũng như phát huy tối đa sản phẩm đặc thù mỗi địa phương?

Ông Bùi Văn Mạnh: Đây là hội nghị đầu tiên tỉnh Ninh Bình tổ chức, nhằm mục đích liên kết các tỉnh thành trong vùng đồng bằng sông Hồng. Bản chất của du lịch là phải có sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương tạo ra các sản phẩm phong phú. Liên kết trong du lịch đóng vai trò rất quan trọng giúp mỗi địa phương định hình cho mình những sản phẩm đặc trưng, tạo ra các sản phẩm không bị trùng lắp, na ná nhau và có hàm lượng văn hóa riêng của từng địa phương đó, đồng thời từng sản phẩm sẽ góp vào thành thương hiệu đặc trưng chung của vùng đồng bằng sông Hồng.

PV: Với Ninh Bình thì địa phương sẽ tạo ra điểm nhấn gì trong bức tranh du lịch đa dạng tổng thể sắc màu các sản phẩm du lịch vùng đồng bằng sông Hồng, thưa ông?

Ông Bùi Văn Mạnh: Chúng tôi có 2 sản phẩm cót lõi nhất của Ninh Bình để tạo ra một thương hiệu riêng. Hiện nay, chúng tôi đang khai thác các yếu tố văn hóa, những giá trị còn đang trên hồ sơ, trong các kế hoạch… để tạo ra các sản phẩm có dấu ấn, khi khách đến Ninh Bình sẽ có những trải nghiệm về thời tiền sử ở Tràng An, hiểu thêm về cuộc sống, sự thích ứng con người của Tràng An, Ninh Bình từ thời sống trong hang động. Chúng tôi đang nỗ lực tái hiện một ngôi làng Việt cổ ngay vùng lõi Tràng An, làng Vân Lâm, nơi có nghề thêu ren hay nghề cói ở Kim Sơn. Thứ 3 là các hoạt động trải nghiệm canh tác nông nghiệp của người dân ở vùng Sơn Hà, Vân Long (Gia Viễn) đã triển khai. Năm tới sẽ tập trung thêm các sản phẩm tiếp theo về du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn. Trong chiến lược phát triển, du lịch Ninh Bình sẽ theo hướng du lịch xanh, bền vững, bảo tồn di sản văn hóa.

Tuần du lịch “Sắc vàng Tam Cốc" tại Ninh Bình.

PV: Thưa ông, Tết Nguyên đán Quý Mão sắp tới - khởi đầu một năm mới 2023. Ninh Bình đang triển khai các chương trình, hoạt động du lịch gì thu hút nhiều hơn nữa du khách, đặc biệt là khách quốc tế?

Ông Bùi Văn Mạnh: Tỉnh Ninh Bình có khoảng 260 lễ hội, tập trung vào các tháng đầu năm. Ngoài ra, tỉnh có rất nhiều các di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập hiện nay. Thứ hai là khuyến khích phát triển những sản phẩm du lịch mới. Thứ 3 là làm mới lại các sản phẩm. Trước nhất sẽ giới thiệu đến du khách 2 sản phẩm, dịch vụ mới là tour trekking (đi bộ đường dài) xuyên rừng trong khu quần thể du lịch Tràng An và trải nghiệm xe bus 2 tầng, tham quan thành phố tại Ninh Bình cũng như những thắng cảnh vùng phụ cận. Cùng với đó, chúng tôi tập trung đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá nhằm thu hút khách trong nước, trước mắt hướng tới thị trường khách ở các tỉnh phía Nam và miền Trung.

Năm 2023 này, chúng tôi cũng ưu tiên tập trung khai thác khách du lịch quốc tế. Hiện nay, ngành du lịch Ninh Bình đã hoàn thành xong triển khai các ứng dụng công nghệ thông minh, từ đó đẩy mạnh khai thác nền tảng số để thu hút khách quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tham gia các hội chợ du lịch quốc tế như ở Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh… để mở rộng thị trường khách nước ngoài.

Chúng tôi rất mong chính phủ có các chính sách hỗ trợ về giá điện, nước làm sao mức giá của dịch vụ du lịch bằng với mức giá sản xuất, để giúp các doanh nghiệp bớt được các loại chi phí, nâng sức cạnh tranh công bằng về giá du lịch, qua đó giảm giá phí các loại cho du khách… Du lịch Ninh Bình đã sẵn sàng để chào đón các du khách từ khắp mọi miền. Chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ làm tốt nhất có thể và bảo đảm cho du khách tốt nhất về an ninh, an toàn phòng chống dịch bệnh, thích ứng linh hoạt trong các hoạt động về du lịch. Chắc chắn khi đến với Ninh Bình, quý khách sẽ được hài lòng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Hà Linh/VOV5

Nguồn: VOV - vov.vn - Đăng ngày 21/01/2023