Trong hành trình du lịch đầu Xuân tại miền đất của những lễ hội Xuân Nam Định, du khách sẽ không thể bỏ qua phiên chợ Viềng độc đáo, họp mỗi năm một phiên vào đêm mồng 7, ngày mồng 8 tháng Giêng. Không có sự xô bồ bán mua của những phiên chợ dân sinh thông thường, chợ Viềng là phiên chợ thiêng. Đến các chợ Viềng Xuân Vụ Bản và Nam Trực, từ lâu, trong tâm thức của nhiều người là đi hội. Dù là người mua hay người bán, khi đặt chân đến chợ Viềng đều không đặt nặng lời lãi, người bán thường không nói thách quá cao, người mua bởi thế cũng không mặc cả giá nhiều để tránh xui xẻo, làm mất đi tính thiêng của phiên chợ. Người đi chợ chỉ có một tâm niệm “mua may, bán rủi”, mong một năm mới thuận lợi, bình an.
Tương truyền, chợ Viềng Nam Trực còn gọi là chợ Viềng Chùa bởi chợ gắn liền với Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang, thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chợ Viềng Vụ Bản còn gọi là chợ Viềng Phủ bởi gắn liền với Phủ Dầy, thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Quần thể di tích lịch sử - văn hóa quốc gia). Trái ngược với sự trang nghiêm, thành kính trong chốn thờ tự, bên ngoài là sự tấp nập, huyên náo, rộn ràng của một trong những phiên chợ đặc biệt và lâu đời nhất Việt Nam. Hội chợ Viềng mang sắc thái “hội Xuân” bởi đến với chợ Viềng Vụ Bản và Nam Trực, du khách được tham dự vào các trò chơi dân gian, các môn nghệ thuật truyền thống như: đánh đu, tổ tôm điếm, cờ người, cờ tướng, đấu vật, múa rối cạn, xin chữ, nặn tò he, hát chèo, hát chầu văn - những sắc thái văn hóa đậm đặc bản sắc đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp lúa nước.
Tham dự chợ Viềng, người dân không chỉ vãn cảnh, chiêm bái các di tích đình, đền, chùa, phủ mà còn trao đổi, mua bán những vật dụng mang ý nghĩa cầu may, sản phẩm làng nghề truyền thống của người nông dân. Hàng hóa ở chợ Viềng rất phong phú, đa dạng, tạo thành "cuộc triển lãm" kinh tế - xã hội không chỉ của 2 huyện Vụ Bản và Nam Trực. Ở đây có đủ loại từ: nông cụ, hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan, đồ đồng, đồ gỗ, gốm sứ, đồ cổ, giả cổ đến hoa, cây cảnh nghệ thuật… và các loại sản phẩm tiêu dùng hiện đại được sản xuất bởi các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong đó, một mặt hàng đặc trưng của phiên chợ đặc biệt là thịt bò, thịt bê thui. Du khách đi chợ; ngoài thưởng thức bát phở bò, hay nồi lẩu bò, món tái nhúng, tái chanh... tại chỗ do chính những người địa phương chế biến, không cầu kỳ nhưng lại có dư vị thật đặc biệt bởi sự tươi ngon, chân chất của hương vị ẩm thực truyền thống, ai cũng mua thịt bò, thịt bê mang về.
Anh Nguyễn Văn Cương, ở Thái Bình sang bán cây giống ở chợ Viềng Nam Trực cho biết: “Tôi sang Nam Định từ sáng mồng 6 Tết để chuẩn bị cho việc bán hàng. Cây giống chủ yếu là cây ăn quả có chất lượng tốt, sức sống khỏe, được lựa chọn từ những vườn ươm uy tín. Giá cây tùy chủng loại, dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng”. Bưng trên tay một chậu địa lan, chị Phạm Thị Thanh, du khách đến từ Ninh Bình cho biết:“Gia đình tôi thường xuyên ra Nam Định đi Chợ Viềng vào mỗi dịp Tết. Cây hoa nhài tôi mua cách đây 3 năm ở chợ Viềng Vụ Bản đến nay vẫn nở nhiều bông rất đẹp. Năm nay, tôi mua thêm chậu lan này về bổ sung cho vườn hoa nhỏ, cũng là “lộc xuân”, lấy may đầu năm”.
Sau 2 năm dừng tổ chức do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, năm nay, chợ Viềng Xuân Quý Mão 2023 được tổ chức trở lại đúng vào các ngày nghỉ cuối tuần nên đã thu hút hàng vạn lượt người dân và du khách tham dự. Để nhân dân và du khách thập phương có chuyến chơi chợ du xuân thỏa mãn, thuận lợi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các huyện: Vụ Bản, Nam Trực thành lập đoàn kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy chế quản lý lễ hội; ngăn chặn các hoạt động lạm dụng tín ngưỡng, mê tín, tệ nạn xã hội, xử lý nghiêm các hành vi phản cảm, lưu hành văn hoá phẩm ngoài luồng. Do không gian diễn ra các hoạt động của hội chợ Viềng Xuân Vụ Bản trải rộng từ thị trấn Gôi qua xã Kim Thái đến xã Trung Thành, thu hút lượng người và phương tiện tập trung cao đột biến, Ban tổ chức chợ Viềng đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội lập 3 vòng, túc trực 24/24h, thành lập 35 chốt kiểm soát trải dài 7km để đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông trật tự khẩn trương xử lý giải tỏa tắc nghẽn, ùn ứ, vi phạm.
Bên cạnh việc tổ chức hội chợ triển lãm các sản phẩm làng nghề hoa, cây cảnh, rèn, đúc, dệt, thêu, chợ Viềng Xuân Nam Trực còn tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin, hướng dẫn du lịch và tạo điều kiện tốt nhất cho du khách tham quan và tham gia các hoạt động lễ hội.
Chợ Viềng Xuân là dịp để người dân ở các vùng quê trong tỉnh quảng bá, thể hiện giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, được kết tinh từ bàn tay, khối óc của bao thế hệ người dân Nam Định; chia sẻ, giao lưu văn hóa và các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tới bạn bè, du khách thập phương./.
Bài, ảnh: Khánh Dũng, Minh Tân