Tổ chức Tết Doi, lễ hội xuống đồng gắn với tục rước gọi “vía lúa” là hoạt động văn hoá đầu xuân của đồng bào dân tộc Mường vùng Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, thể hiện ước mong của người dân các bản Mường về một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Hằng năm, cứ sau Tết Nguyên đán, người dân xứ Mường xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ lại nô nức cùng nhau tổ chức Tết Doi, một phong tục được đồng bào nơi đây gìn giữ như một nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần. Theo các bậc cao niên trong các bản Mường xã Thu Cúc, Tết Doi được khởi phát từ xa xưa ở xứ Mường, gắn với câu chuyện huyền thoại về nàng Cúc đã lặn lội đi tìm giống lúa về cứu đói cho người dân bản Mường.
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, khi rừng rú còn rập rạm, đường xá đi lại còn khó khăn, người Mường Thu Cúc ở dưới chân các ngọn núi, quanh những con suối. Vào một năm nọ, đất đai, sông suối ở Thu Cúc gặp hạn hán, trở nên khô cằn, nứt nẻ. Vì thế, người dân bản Mường trở nên đói kém, không có lúa ăn, không có nước uống. Trước tình cảnh đó, nàng Cúc là người con gái xinh đẹp, chăm chỉ đã tự nguyện đi đến các bản Mường để tìm giống lúa, vía lúa về cứu dân làng. Khi tìm được giống lúa mang, về đến cửa Mường Thu Cúc nàng bị hãm hại, trên đất chỉ còn đôi dép và bó lúa của nàng. Dân bản biết đây là bó lúa nàng Cúc tìm được nên đã nhân giống, gieo trồng lúa xuống cánh đồng trước cửa Mường. Từ đó, đồng lúa của xứ Mường Thu Cúc lại xanh tốt, trĩu hạt, đồng bào được no ấm.
Miếu thờ nàng Cúc, nơi lưu giữ huyền thoại về "Vía lúa" ở xứ Mường (Ảnh: Thế Lượng)
Biết ơn nàng Cúc đã mang lại ấm no cho bản Mường, người dân nơi đây đã dựng miếu thờ nàng ngay dưới chân núi, cạnh cửa Mường để tháng ngày hương khói. Hằng năm, cứ đến tiết tháng Giêng, người dân bản Mương lại cùng nhau dâng lễ lên miếu nàng Cúc gồm xôi màu, cá suối, hoa quả, hương thơm. Sau đó, cả bản Mường tổ chức Tết Doi, làm lễ rước vía lúa, tổ chức ngày hội xuống đồng, mở đầu cho một năm trồng lúa nước với mong ước mùa màng bội thu.
Tết Doi từ đó đã trở thành một phong tục cổ truyền được bảo tồn từ đời này sang đời khác ở xứ Mường Thu Cúc. Trong Tết Doi, rước vía lúa đã trở thành một nghi lễ thiêng liêng, không thể thiếu trong các hoạt động tâm linh của người dân nơi đây. Theo quan niệm từ xa xưa, gọi vía lúa, rước vía lúa nghĩa là gọi về cơm gạo từ Mường Trời, hồn lúa mà ở lại với con người thì thóc lúa năm đó mới đầy bồ, đầy cót, nhà nhà no đủ. Hạt giống lúa trở nên thiêng liêng trong các nghi lễ của Tết Doi.
Để tổ chức Tết Doi theo đúng nghi thức truyền thống, trước đó, người dân trong các bản Mường Thu Cúc đã lựa chọn những bông lúa chắc mẩy, đều đẹp, bó thành từng chùm lớn dùng để làm vật thiêng trong nghi lễ. Vào buổi sáng tổ chức Tết Doi, người dân cùng nhau rước chùm lúa to đẹp từ trung tâm xã đến miếu thờ nàng Cúc gần cửa Mường để làm lễ tết thần linh.
Đi đầu đoàn rước là thầy mo, người đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nghi lễ, sau đó là những người cầm trống, chiêng, cờ, khiêng rước và đoàn người đâm đuống, chạm ống (một nghi thức cổ truyền trong Tết Doi). Khi đến địa điểm làm lễ, trống chiêng được đánh vang lên, thầy mo làm lễ khấn cúng gọi vía lúa về với bản Mường, chia giống lúa cho dân bản để gieo trồng, để lại chùm lúa giống đẹp để thờ tại miếu nàng Cúc. Trong lúc thầy mo khấn cúng, dân bản cùng nhau đánh chiêng, trống vang lừng khắp nơi để mời gọi vía lúa với bản Mường.
Ngoài các nghi lễ cổ truyền được tổ chức, người dân còn tổ chức các hoạt động văn hoá như đâm đuống, chạm ống, đây là những động tác biểu tượng cho công việc giã lúa, giã gạo với mong ước lúa gạo luôn đầy cối để được no đủ quanh năm. Các diễn xướng dân gian, các trò chơi truyền thống cũng được người Mường và các dân tộc anh em trên địa bàn tổ chức như múa mỡi, múa sạp của người Mường, múa khèn của dân tộc Mông, múa chuông của dân tộc Dao…
Đồng bào Mường biểu diễn tục đâm đuống, chạm ống trong Tết Doi (Ảnh: Thế Lượng)
Tết Doi gắn với lễ hội xuống đồng đầu xuân mới của đồng bào Mường Thu Cúc là một phong tục được tổ chức theo những nghi thức cổ xưa, được gìn giữ hàng thế kỷ ở những bản Mường. Đây là một hoạt động văn hoá độc đáo gắn với nghề trồng lúa, coi trọng hạt giống, hạt gạo của cư dân bản địa từ xa xưa trên vùng đất Tổ Phú Thọ. Phong tục cổ truyền này mang đậm triết lý nhân sinh, thể hiện ước mong của người dân các bản Mường về một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, đây cũng là dịp để đồng bào Mường tri ân, thể hiện lòng biết ơn đối với thần linh, tổ tiên, những người đã mang về, gìn giữ và truyền lại hạt giống cho muôn đời sau. Người dân bản Mường cũng luôn coi Tết Doi là dịp để cùng nhau gieo cấy những hạt giống tốt xuống ruộng đồng, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề trồng lúa.
Ông Đặng Đình Thuận, phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tết Doi của đồng bào Mường là nghi lễ thiêng liêng, độc đáo trên vùng đất Tổ gắn với gìn giữ cây lúa, coi trọng loại ngũ cốc nuôi sống con người từ bao đời nay. Đây là phong tục cổ truyền mang đậm giá trị nhân văn của người dân bản Mường cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hoá”./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng