Huyện Na Hang có trên 21.000 ha rừng đặc dụng, rừng tự nhiên lớn nhất ở tỉnh Tuyên Quang. Rừng Na Hang có 2.000 loài động, thực vật quý hiếm, như: Trai, đinh, hoàng đàn, trầm gió… voọc mũi hếch, voọc đen má trắng.
Thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, nơi từng là điểm nóng về tình trạng khai thác gỗ trái phép ở huyện Na Hang. Nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng, thôn Bản Bung hiện có 48 hộ dân với 215 nhân khẩu, đa số là đồng bào Tày, Dao, Mông…. Trước đây, đồng bào trong thôn sinh sống chủ yếu dựa vào rừng, nhưng hiện nay thôn đang là điểm sáng về phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với các loại bí đỏ, bí thơm, khoai tây. Thu nhập bình quân của người dân đạt trên 38 triệu đồng/người/năm.
Bản bung nằm trong vùng lõi rừng đặc dụng.
Ông Phạm Văn Phi, người gốc Nam Định đã định cư ở thôn Bản Bung được hơn 40 năm, cho hay: Hiện thanh niên địa phương có xu hướng tìm việc làm tại các khu công nghiệp. Nhiều gia đình đã bắt đầu làm du lịch: "Nói chung giờ có đường có điện người ta thu nhập kiểu khác, đất ở nhiều lắm. Giờ có chăng chỉ có người đi rừng tìm thuốc, tìm lá".
Là người sinh ra và lớn lên cùng với những cánh rừng bản Bung, ông Nông Văn Cương nay đã gần 70 tuổi, cho biết: Bản Bung giờ đã khác, những năm gần đây người dân bắt đầu chuyển hướng từ khai thác rừng sang phát triển kinh tế cùng với rừng: "Thời chưa có bảo vệ thì cũng có người đi vào xẻ trộm. Giờ bảo vệ chặt chẽ nên không có người vào chặt gỗ săn bắt hái lượm nữa".
Trạm kiểm lâm Bản Bung.
Hiện ở Bản Bung lực lượng kiểm lâm cắm chốt chỉ có 3 nhân viên, 1 chính thức 2 hợp đồng, quản lý hơn 1.000 ha rừng đặc dụng, rừng tự nhiên. Nhiều năm qua, ông Triệu Thế Hải, Bí thư chi bộ thôn Bản Bung đã ký hợp đồng làm nhân viên kiểm lâm. Thu nhập chỉ 5 triệu đồng mỗi tháng, nhưng với trách nhiệm của mình ông Hải vẫn quyết tâm gắn bó với rừng.
"Căn bản rừng bị xâm hại là do đầu nậu ở ngoài vào kết hợp với dân. Mình tuyên truyền tốt nắm được tình hình thì đầu nậu vào dân tố giác ngay thì mình mới giữ được rừng", ông Hải nói.
Rừng là báu vật không chỉ của thôn Bản Bung mà cả huyện Na Hang. Hiện xã Thanh Tương có trên 10.000 ha rừng đặc dụng, rừng tự nhiên. Là địa phương nằm trong vùng lõi rừng đặc dụng, vì vậy việc làm tốt công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát triển rừng. Ông Nông Văn Phong, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Tương, huyện Na Hang, cho biết: "Hiện đang hợp đồng giao khoán 300.000/ha/năm cho người dân. Xuống bà con tìm hiểu, được biết mong muốn nâng thêm thì sẽ trách nhiệm cao hơn".
Rừng ở Na Hang hiện có hàng nghìn cây nghiến, đinh, lim cả trăm năm tuổi. Địa bàn rộng, diện tích rừng trên núi cao, địa hình hiểm trở, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, nên công tác xã hội hóa quản lý, bảo vệ rừng được đẩy mạnh. Tại 12 xã, thị trấn của huyện Na Hang đã thành lập ban chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng với gần 300 thành viên, kiện toàn, củng cố đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với hơn 900 người tham gia.
Ông Ma Quý Đôn, Phó chủ tịch UBND huyện Na Hang, cho biết bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có, bảo vệ các loài động vật, thực vật, cảnh quan môi trường, gắn với phát triển một số loại hình du lịch phù hợp sẽ góp phần phát huy thế mạnh của danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình.
"Trên cơ sở tiềm năng lợi thế của Na Hang về cảnh quan thiên nhiên, sinh thái. Trong những năm gần đây huyện cũng thúc đẩy du lịch trong phát triển kinh tế. Xây dựng các tua tuyến du lịch vào rừng tự nhiên kết hợp với kiểm lâm gắn với bảo vệ rừng. Qua đó cũng đồng thời tạo thu nhập cho cộng đồng và những người làm công tác bảo vệ rừng", ông Đôn nói.
Bảo về rừng, tận dụng nguồn tài nguyên rừng hiệu quả phục vụ du lịch đang là hướng đi trong phát triển kinh tế, xã hội bền vững của tỉnh Tuyên Quang./.
Mạnh Phương/VOV1