Bình Định: Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch

Cập nhật: 01/02/2023
Tỉnh Bình Định được biết đến là vùng "đất võ, trời văn" có bề dày lịch sử, văn hóa. Nơi đây còn là miền đất chứa đựng kho tàng di sản văn hóa được bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Du khách tham quan di tích Tháp Đôi (TP Quy Nhơn) dịp tết Quý Mão 2023.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Bình Định được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo ngành văn hóa cùng các địa phương thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, góp phần bảo vệ, lưu giữ, kế thừa, khai thác tốt tài nguyên di sản văn hóa phục vụ du lịch.

Gìn giữ giá trị di sản văn hóa

Tỉnh Bình Định hiện có 142 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, hệ thống di tích lịch sử - cách mạng được phục hồi, tu bổ, trùng tu góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa. Bảo tàng tỉnh cùng với hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán khi đặt chân đến Bình Định.

Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, tâm sự: Trong số các di tích do đơn vị quản lý, các tháp Chăm ở Bình Định được nhiều du khách tìm đến. Riêng di tích tháp Bánh Ít được tỉnh tiếp tục đầu tư kinh phí hơn 23,7 tỷ đồng để xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích từ năm 2021 - 2022; đưa vào hoạt động đón khách dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cùng với đó, UBND tỉnh đã công bố, trao giải Cuộc thi tuyển quốc tế lựa chọn phương án kiến trúc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định vào giữa tháng 01/2023. Chúng tôi hy vọng trong tương lai không xa, tỉnh ta sẽ có một công trình Bảo tàng tổng hợp được xây mới với quy mô, kiến trúc hiện đại.

Bảo tàng Quang Trung - nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa thời Tây Sơn cũng được tôn tạo khuôn viên, nâng cấp nhà trưng bày bảo tàng, xây mới công trình Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt tạo nên diện mạo mới phục vụ du khách. "Bảo tàng Quang Trung được đầu tư tôn tạo, ứng dụng công nghệ số hóa di sản, đổi mới chất lượng phục vụ đã tăng sức hấp dẫn, thu hút du khách đến nhiều hơn. Trước tết Quý Mão, tỉnh cũng đã khánh thành Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng tạo thêm điểm đến mới gắn kết với Bảo tàng Quang Trung và các di tích do chúng tôi quản lý để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách", ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, chia sẻ.

Không chỉ sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, mảnh đất Bình Định còn là cái nôi của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, như nghệ thuật tuồng, bài chòi, võ cổ truyền; các lễ hội văn hóa dân gian được quan tâm bảo tồn. Ở Bình Định, ngoài hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp là Đoàn tuồng Đào Tấn, Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh), còn có 10 đoàn tuồng không chuyên đang hoạt động, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng.

Di sản bài chòi dân gian ở Bình Định được bảo tồn, lan tỏa giá trị.

Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, tâm tình: Cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng các vở diễn, hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng bảo tồn nghệ thuật truyền thống, từ tháng 11/2022, Nhà hát phối hợp các đơn vị liên quan duy trì hoạt động biểu diễn chương trình nghệ thuật vào tối cuối tuần tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành để phục vụ du khách, vừa quảng bá di sản, vừa tạo đà phục vụ các tour du lịch. Chúng tôi cũng đã tham mưu Sở VH&TT xây dựng đề án với chính sách đặc thù để tuyển chọn, đào tạo lớp diễn viên tuồng, bài chòi kế thừa, trình UBND tỉnh phê duyệt cho thực hiện.

Từ khi nghệ thuật bài chòi Trung bộ được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, tỉnh Bình Định đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này bằng việc quan tâm đến đội ngũ nghệ nhân trao truyền di sản, gầy dựng được lớp nghệ nhân trẻ kế thừa, thực hành di sản bài chòi.

Nghệ nhân ưu tú Lý Thành Long, thành viên CLB Bài chòi dân gian TX Hoài Nhơn, phấn khởi nói: Ở Hoài Nhơn, ngoài CLB bài chòi dân gian của thị xã, tại 17, phường xã đều thành lập CLB bài chòi để hoạt động. Đội ngũ nghệ nhân được khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để truyền dạy và thực hành di sản bài chòi dân gian, góp phần cho nghệ thuật bài chòi dân gian thêm sức sống, lan tỏa rộng khắp và gần hơn với công chúng.

Xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa

Phát huy những kết quả của Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức vào tháng 11/2021, ngành văn hóa và các địa phương đã, đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; hướng tới khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Với định hướng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, huyện đã và đang đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch làng hoa Bình Lâm gắn liền với di tích tháp Bình Lâm. Chúng tôi cũng đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng nhà biểu diễn tại di tích Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn và sẽ thành lập đoàn tuồng chuyên biểu diễn tại di tích này. Đáng mừng nữa là Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, huyện sẽ có kế hoạch để đầu tư phát huy giá trị di sản này, cũng như tôn vinh các di sản văn hóa có dấu ấn ở Tuy Phước, như Di tích Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, Tiểu chủng viện Làng Sông - nơi phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ…

Để khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa mang nét đặc trưng riêng của Bình Định, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tạ Xuân Chánh cho biết: Song song với việc đầu tư quy hoạch, xây dựng, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa gắn kết phục vụ du lịch, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh lập hồ sơ khoa học Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tham mưu thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng, bài chòi, võ cổ truyền Bình Định gắn với phục vụ du lịch… nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đoan Ngọc

Nguồn: Báo Bình Định - baobinhdinh.vn - Đăng ngày 30/01/2023