Gia Lai: Đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Cập nhật: 02/02/2023
Trong năm 2023, tỉnh Gia Lai đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư du lịch, thu hút nhà đầu tư vào các dự án khu, điểm du lịch; hoàn thiện, nâng cấp các điểm du lịch đang khai thác, hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch; nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương; tập trung phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025...

Nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, Gia Lai là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên như Gia Rai, Ba Na…Gia Lai còn là cái nôi của không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Địa phương này còn có 2 khu vực rừng nguyên sinh lớn là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Hai khu vực rừng nguyên sinh này với đa dạng động, thực vật và các thác nước tuyệt đẹp, khí hậu ôn hòa. Đồng thời, Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch là Khu du lịch quốc gia rộng trên 6.000 héc-ta; các ngọn núi lửa âm và dương như: Hàm Rồng, Chư Đăng Ya, Biển Hồ; các thác nước thiên nhiên thơ mộng, hấp dẫn như: thác Phú Cường, thác Mơ, thác Chín Tầng....

Cùng với đó, các di tích khảo cổ nổi tiếng xác định niên đại loài người ở Việt Nam có ở Gò Đá, Rộc Tưng (thị xã An Khê) với trên 80 vạn năm; quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo; các di tích: Tượng đài chiến thắng Đak Pơ, Nhà lao Pleiku, Quốc môn (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh). Các công trình tâm linh như: Tượng Phật Bà ở Biển Hồ, chùa Minh Thành, Thiền Viện Trúc Lâm, Nhà thờ Thăng Thiên, Thánh Tâm... và các công trình kiến trúc tôn giáo khác sẽ là những điểm nhấn độc đáo cho du lịch tâm linh gắn với chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử…trên địa bàn tỉnh. 

Hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch được tỉnh Gia Lai tăng cường triển khai. Ảnh: P.Thảo

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả những lợi thế trên, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu trong năm 2023 đón tổng lượt khách dự kiến đạt 1.100.000 lượt, tăng 16% so với năm 2022; trong đó: khách quốc tế là 4.000 lượt, khách nội địa là 1.096.000 lượt. Doanh thu du lịch dự kiến đạt 700 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch: thu hút đầu tư vào các dự án khu, điểm du lịch tạo điểm nhấn, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm tham quan, khai thác hiệu quả du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, khảo sát, xây dựng từ 2-3 làng tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến, liên kết các địa phương lân cận để xây dựng sản phẩm liên kết, chú trọng sản phẩm “Biển-Rừng” để thu hút khách đến với Gia Lai. Tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, tham gia các chương trình quảng bá tại các hội nghị, hội thảo du lịch cấp quốc gia, các hội chợ du lịch… nhằm xây dựng và củng cố sản phẩm và thương hiệu của du lịch Gia Lai. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ, nâng cao hiệu quả của hoạt động quảng bá, tuyên truyền, xúc tiến du lịch.

Thời gian tới, tỉnh Gia Lai tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, kết nối tới các thị trường nguồn và các điểm du lịch. Trong đó, đầu tư xây dựng hạ tầng  giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch: Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đang Ya, Quần thể di tích Tây Sơn - Thượng đạo, tuyến du lịch Phú Thiện - Chư Sê, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch của từng huyện, thị xã, thành phố, nhất là các khu, điểm du lịch trọng điểm như: Biển Hồ - Chư Đang Ya, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ…

Tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp Di tích lịch sử văn hóa Làng kháng chiến Stơr, nhà lưu niệm Anh hùng Núp; khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa Vườn Mít - Cánh đồng cô Hầu huyện Kbang; tiếp tục đầu tư xây dựng dự án Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty huyện Đức Cơ; sửa chữa nhà rông, xây dựng cổng vào Khu du lịch làng Kép, xã Ia Mơ Nông và nhà trưng bày, giới thiệu Sản phẩm dệt thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc xã Ia Ka, huyện Chư Păh; mô hình phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Ngoài ra, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các khu, điểm du lịch có chủ trương phát triển du lịch như: Du lịch sinh thái Đồi thông Hà Tam thuộc địa phận xã Hà Tam, huyện Đak Pơ; lòng hồ Ayun Hạ huyện Phú Thiện, Chư Sê; lòng hồ thủy điện Sê San 4 - thác Mơ huyện Ia Grai; điểm du lịch Thác ông Đồng huyện Đức Cơ; dự án Tổ hợp đô thị sinh thái du lịch tâm linh Hòn đá Trải, điểm du lịch nghỉ dưỡng về nguồn tại Trung tâm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, trạm dừng chân lữ hành kết hợp du lịch, dịch vụ logistics, trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm,…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phươnh hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị trải nghiệm cao qua việc xây dựng, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng cạnh tranh du lịch của tỉnh. Tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với văn hóa, lễ hội truyền thống các dân tộc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến hấp dẫn, độc đáo và khác biệt.

Xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế về văn hóa bản địa, ngành nghề thủ công truyền thống kết hợp các chương trình về sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, chương trình MTQG nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như: Làng Ia Nueng, xã Biển Hồ và Làng Ốp, phường Hoa Lư (thành phố Pleiku); làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng và làng Stơr, xã Tơ Tung (huyện Kbang); làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya và làng Kép, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh); làng Đê Kjêng, xã Ayun (huyện Mang Yang); làng Ghè, xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ)... đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách tại các làng bản người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên duy trì nâng cấp quy mô các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao nhằm thu hút khách đến tham quan như: Liên hoan văn hóa cồng chiêng; Lễ hội Hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh); Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc hồi Đống đa và Hội cầu huê vào ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch, Lễ hội Dâu da đỏ (thị xã An Khê); Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện); Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai); Ngày hội Du lịch huyện Kbang (huyện Kbang); Chợ phiên cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ); Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Mang Yang; Giải Việt dã truyền thống thành phố Pleiku; Ngày hội kết nối du lịch (thành phố Pleiku); biểu diễn cồng chiêng cuối tuần tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (thành phố Pleiku);…

Ngày hội hoa dã quỳ dưới chân núi lửa Chư Đang Ya là điểm nhấn độc đáo trong phát triển du lịch tại Gia Lai. Ảnh: Phan Nguyên  

Tổ chức Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai theo Đề án được duyệt; khai thác kết quả của các đề án, dự án có nội dung bảo tồn văn hóa truyền thống để phục vụ cho du lịch phát triển như: Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025”; Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Dự án 6)...

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch là một trong những nhiệm vụ được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai trong thời gian tới. Theo đó, ngành du lịch cần thường xuyên cập nhật tư liệu, hình ảnh, phim quảng bá du lịch… trên các trang web du lịch của tỉnh như: gialaitourism.vn, dulichpleiku.gialai.gov.vn, liên kết với các trang thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố trên cả nước để chia sẻ và quảng bá du lịch giữa các địa phương với nhau; khai thác hiệu ứng quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Tham gia các hội chợ du lịch: ITE - Thành phố Hồ Chí Minh, VITM - Hà Nội và một số hội chợ khác trong nước và quốc tế để quảng bá sản phẩm du lịch của tỉnh và tiếp cận với du khách, nhà đầu tư, các hãng lữ hành lớn để liên kết phát triển. Tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên...

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến sản phẩm du lịch tại các thị trường có nguồn khách ổn định và thuận lợi về vận chuyển đường hàng không (Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…), tổ chức các hội nghị giới thiệu sản phẩm, mời doanh nghiệp tham gia khảo sát để xây dựng tour. Tham gia các sự kiện du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh thành trong các chương trình ký kết hợp tác về phát triển du lịch như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ; tham gia các đoàn khảo sát liên tỉnh, liên quốc gia theo các tuyến sản phẩm chuyên đề và tổng hợp; gắn kết các cụm, khu du lịch, kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Nguyễn Hằng

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 01/02/2023