Thảo quả là loại cây bản địa được trồng lâu đời ở huyện Hoàng Su Phì. Do đặc điểm sinh trưởng và phát triển dưới tán rừng, ưa khí hậu ẩm ướt, trong khi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Hoàng Su Phì rất phù hợp nên sản phẩm Thảo quả có chất lượng rất cao, được thị trường chấp nhận. Trước đây, Thảo quả chủ yếu phục vụ nhu cầu của các gia đình dùng làm gia vị và làm thuốc, những năm gần đây, sau khi các thương lái ngoài huyện đến thu mua và tiêu thụ với giá cao thì cây Thảo quả được xác định là loại cây thế mạnh của huyện Hoàng Su Phì được tập trung phát triển mạnh.
Thảo quả trồng xen dưới tán rừng tự nhiên giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Tại xã Hồ Thầu, một trong những xã có diện tích Thảo quả lớn nhất huyện, được trồng ở các thôn Chiến Thắng, Tân Minh, Trung Thành. Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của loại cây này, ngay từ năm 2005 Thảo quả đã được gia đình ông Lê Văn Thảo trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại thôn Chiến Thắng với diện tích trên 5 ha kết hợp vườn ươm cây giống để cung cấp cho các hộ trong xã và các xã lân cận. Từ năm 2010, nguồn lợi từ Thảo quả và bán cây giống đã đem lại thu nhập cho gia đình ông Thảo bình quân mỗi năm trên một tỷ đồng.
Đối với xã Túng Sán, do địa hình nằm trên sườn dãy Tây Côn Lĩnh, từ năm 2010, cây Thảo quả được nhiều hộ dân tộc Mông, Cờ Lao và Dao áo dài trồng xen canh dưới tán rừng. Năm 2022, Thảo quả đã đem lại thu nhập cho các hộ trên 4,5 tỷ đồng. Tiêu biểu là hộ ông Sùng Seo Cáo, thôn Chúng Phùng, với diện tích trên 8 ha, năm 2022 năng suất đạt 7,5 tạ/ha, sản lượng đạt 6,37 tấn đã đem lại thu nhập trên 220 triệu đồng. Tại xã Thèn Chu Phìn có tổng diện tích trên 220 ha, trong đó có 127 ha đang cho thu hoạch, năm 2022 sản lượng Thảo quả toàn xã đạt trên 120 tấn đem lại thu nhập trên 4 tỷ đồng.
Qua thống kê, toàn huyện Hoàng Su Phì có 2.212 ha Thảo quả, trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.430 ha, tập trung chủ yếu ở các xã vùng núi cao như Hồ Thầu 339 ha, Nậm Ty 264 ha, Túng Sán 250 ha, Tả Sử Choóng 173 ha, Đản Ván 135 ha. Để phát huy nguồn lợi về dược liệu nhằm thay đổi cán cân thu nhập trong cơ cấu cây trồng của huyện, từ năm 2015 huyện Hoàng Su Phì đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về phát triển cây dược liệu giai đoạn 2015 - 2020, đồng thời được tỉnh và huyện đưa vào Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, trong đó Thảo quả được xác định là một trong những loại cây chủ lực. Bên cạnh đó, một số cơ sở chế biến nông, lâm sản như Hợp tác xã Long Nhi, xã Thông Nguyên; cơ sở sản xuất Thứ Nhàn, xã Nậm Ty đã thử nghiệm chiết xuất tinh dầu Thảo quả để nâng cao chất lượng, tăng giá trị cho sản phẩm, được trưng bày giới thiệu tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh và được đông đảo khách hàng quan tâm. Từ đó kích thích các hộ tham gia trồng Thảo quả, mở rộng diện tích, gắn với đó là việc thâm canh, chăm sóc để nâng cao năng suất. Năm 2022 sản lượng Thảo quả toàn huyện đạt 1.073,6 tấn, trị giá 375,7 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, việc phát triển cây Thảo quả của huyện Hoàng Su Phì là hướng đi đúng, làm thay đổi cán cân thu nhập trong cơ cấu cây trồng cho người dân, góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo và làm giàu cho các hộ gia đình. Không những vậy, do đặc điểm của cây Thảo quả sinh trưởng và phát triển dưới tán rừng đồng nghĩa với việc người dân sẽ có ý thức giữ rừng theo hướng cộng sinh, từ đó góp phần mở rộng diện tích rừng của huyện. Mặt khác, việc chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm đối với cây Thảo quả cũng góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch khi đến huyện. Vì vậy, việc phát triển cây dược liệu trong đó có cây Thảo quả là một trong những định hướng, mục tiêu quan trọng được Đại hội Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì lần thứ XXI xác định với những giải pháp cụ thể để từng bước xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững.
Bài, ảnh: Trần Trí Nhân (Hoàng Su Phì)