Phát triển bền vững hệ sinh thái tại Vườn quốc gia Xuân Thủy - Nam Định

Cập nhật: 03/02/2023
Tỉnh Nam Định xác định bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững hệ sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy không chỉ là bảo tồn một mẫu cảnh quan đặc sắc của vùng cửa sông ven biển ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng mà còn góp phần phát triển hệ thống phòng hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo vệ đời sống và dân sinh cho người dân vùng ven biển.

Vườn quốc gia Xuân Thủy có tổng diện tích 14.500ha, trong đó hơn 7.100ha là vùng lõi và hơn 7.300ha là vùng đệm, nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Giao Thủy: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải. Năm 1989, VQG Xuân Thủy chính thức được quốc tế công nhận được công nhận là khu Ramsar thứ 50 của thế giới và là khu Ramsar đầu tiên của khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. 

Đây là vùng đất ngập nước cửa sông ven biển tiêu biểu với địa hình tự nhiên được kiến tạo theo quy luật bồi tụ và xói lở của vùng cửa sông châu thổ Bắc Bộ. Các bãi bồi lớn xen kẽ với các dòng sông được thành tạo trong quá trình phát triển tự nhiên vùng cửa Ba Lạt tạo nên những cảnh quan đặc sắc của khu vực. Các bãi triều lầy vùng cửa sông là nơi sinh trưởng của rừng ngập mặn, nó cũng là bãi đậu, kiếm ăn của các loài chim di trú, các giồng cát cao ở mép ngoài Cồn Lu là dải rừng phi lao chắn sóng, đồng thời là nơi cư trú của nhiều loài chim bản địa.

Khu Ramsar Vườn quốc gia Xuân Thủy sở hữu đa dạng sinh học phong phú, nổi bật

Do nằm trong vùng cửa Ba Lạt - cửa sông châu thổ rộng lớn nhất Bắc Bộ, VQG Xuân Thủy có nhiều kiểu hệ sinh thái với các đặc trưng khác nhau về điều kiện tự nhiên, nơi cư trú và quần xã sinh vật: Bãi triều lầy có rừng ngập mặn; bãi triều không có rừng ngập mặn; các cồn cát chắn ngoài cửa sông; đầm nuôi tôm; sông nhánh; lạch triều; dải cát mép ngoài Cồn Lu; vùng nước ven bờ Cồn Lu; vùng nước cửa sông Ba Lạt; hệ sinh thái nông nghiệp. Trong các kiểu hệ sinh thái này, bãi triều có rừng ngập mặn, bãi triều không có rừng ngập mặn, đầm nuôi tôm và cồn cát vùng cửa sông là những sinh cảnh thường có những biến động lớn bởi các quá trình phát triển tự nhiên và do hoạt động của con người.

Mỗi kiểu hệ sinh thái ở VQG Xuân Thủy như trên, bên cạnh các chức năng chứa đựng các thành phần đa dạng sinh học còn có các dịch vụ hệ sinh thái ích lợi cho đời sống con người ở các góc độ bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển đường bờ, nuôi dưỡng các loài thủy sản có giá trị kinh tế, đồng thời là nơi cung cấp nguồn lợi sinh vật hàng ngày cho cộng đồng dân cư. Ngoài ra, với sinh cảnh rừng ngập mặn bãi triều có nhiều loài chim di trú nên VQG Xuân Thủy còn là nơi lý tưởng cho các hoạt động du lịch sinh thái: Quan sát chim di cư, quan sát đời sống sinh vật trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều... Sự phong phú, đa dạng về văn hóa và những tập quán lâu đời trong đời sống của cư dân các xã vùng đệm của VQG cũng là điều kiện thuận lợi làm tăng thêm giá trị tinh thần của các cảnh quan ở VQG Xuân Thuỷ.

Theo điều tra mới nhất về tính đa dạng sinh học trong gần 1.600ha rừng ngập mặn, rừng phòng hộ tại huyện Giao Thủy có 202 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 9 loài cây ngập mặn thực thụ là bần chua, 2 loài trang, sú, đước vòi, 2 loài ô rô, giá, cóc kèn. Hệ động vật cũng rất phong phú. Chỉ riêng khu vực bãi bồi cửa sông, ven biển thuộc VQG Xuân Thủy đã có 1.647 loài, trong đó có tới 9 loài chim, 3 loài cá, 4 loài bò sát, 1 loài giáp xác có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007; 19 loài cá, 1 bò sát, 14 loài chim có tên trong Danh lục đỏ của IUCN-2015. Nơi đây cũng là nơi lưu trú, kiếm ăn của 222 loài chim, hơn 160 loài cá và gần 500 loài động vật nổi và động vật không xương sống cỡ lớn ở đáy.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, với cao trình thấp so với mực nước biển, cùng mức sụt lún hàng năm lên tới trên 1cm, vùng ven biển tỉnh đã và đang chịu tác động rất lớn của mực nước biển dâng. Sự thay đổi dòng chảy, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều, mực nước biển dâng cao kết hợp với triều cường và sóng biển sẽ ảnh hưởng ngày một nhiều hơn tới diện tích rừng ngập mặn, nhất là khu vực rừng được hình thành từ các loài cây có sinh khối nhỏ, tầng tán thấp, dễ bị chết hàng loạt (bần chua, trang, sú...) như tại VQG Xuân Thủy. Bên cạnh đó, hệ động vật đa dạng phong phú của VQG Xuân Thủy đã và đang chịu ảnh hưởng lớn từ hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản của người dân ở khu vực lân cận. Một số loài đặc hữu có giá trị cả về kinh tế và sinh thái như: móng tay, cáy mật, phi... đang bị đe dọa về số lượng và sự phân bố tại VQG. 

Phục hồi, phát triển diện tích rừng ngập mặn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ hệ sinh thái tại vùng đất ngập nước tại VQG Xuân Thủy 

Xác định được vai trò, vị thế và tầm quan trọng của vùng đất ngập nước Xuân Thủy, trong những năm qua, VQG Xuân Thủy đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tại khu vực, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. 

Ngoài ra, VQG phối hợp cùng địa phương tổ chức, hướng dẫn cho người dân khai thác thủy sản bền vững dưới tán rừng, như thành lập các tổ cộng đồng tự quản vừa khai thác vừa bảo vệ rừng điển hình như xã Giao An, Giao Lạc. Các chương trình dự án trồng rừng, phục hồi rừng và tái thả nguồn lợi thủy sản kết hợp với việc thực hiện cơ chế khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, từ đó tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương và duy trì hiện trạng đa dạng sinh học tại khu Ramsar Xuân Thủy.

Trong những năm qua, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ bảo tồn nguồn gen động vật, khảo nghiệm lựa chọn và trồng thử nghiệm một số loài cây ngập mặn có triển vọng nhằm cải thiện tổ thành loài, nâng cao khả năng chống chịu của hệ sinh thái rừng ngập mặn bằng các loài cây ngập mặn có ưu thế về sinh khối, sinh thái và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng nhiều mục đích của dải rừng ngập mặn ven biển của tỉnh. Điển hình như các đề tài, dự án: “Đầu tư phát triển vùng lõi VQG Xuân Thủy”; “Nghiên cứu, xác định một số cây trồng thích hợp và kỹ thuật ươm giống cây con chất lượng tốt tại VQG Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”, “Nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân suy thoái rừng ngập mặn và xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn bền vững tại VGQ Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”.

Ngọc Ánh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 02/02/2023