Đắk Lắk: Gìn giữ văn hóa các dân tộc từ Hội xuân Việt Bắc

Cập nhật: 06/02/2023
Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc lần thứ 12, xuân Quý Mão 2023 đã diễn ra tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, trò chơi dân gian dành cho nhân dân và du khách. Đây là hoạt động được tổ chức hàng năm nhằm gìn giữ và phát huy văn hóa của các dân tộc vùng Việt Bắc định cư trên Tây Nguyên.

Xúng xính trong bộ đồ truyền thống mới may để du xuân, chị Lộc Thị Hương, dân tộc Nùng, ở xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ phấn khởi chia sẻ: đoàn của chị đã vượt chặng hơn 40km bằng xe máy để đến xã Ea Tam, huyện Krông Năng dự lễ hội. Đã thành lệ, cứ rằm tháng giêng hàng năm, lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc diễn ra ở đây trở thành điểm đến du xuân của nhiều người dân từ khắp nơi, tạo không khí vui tươi rộn ràng như ở quê hương ngoài miền Bắc.

"Em thấy không khí lễ hội đây rất đông và nhộn nhịp, có nhiều dân tộc khác, nhau nhìn thấy đồ truyền thống rất là bắt mắt. Trang phục của bọn em thì chỉ có những dịp lễ hội thì bọn em mới được mặc lên những bộ đồ truyền thống", chị Lộc Thị Hương chia sẻ.

Hội thi bánh chưng - bánh dày được các đội thi chuẩn bị chu đáo.

Xã Ea Tam, huyện Krông Năng có tới hơn 80% dân số là người Tày, Nùng, Dao, Thái sinh sống. Từ năm 2010, lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc được tổ chức định kỳ vào dịp rằm tháng giêng hàng năm với nhiều hoạt động độc đáo như: lễ cúng thổ công và nghi lễ cầu mùa, hội thi dựng trại, thi làm bánh chưng – bánh dày, cơm lam, thi Heo quay - nấu rượu. Phần hội với các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, chạy cà kheo, hội tung còn, thu hút rất đông người tham gia.

Những chiếc bánh dày được làm ra ngay trên sân khấu hội thi.

Anh Hoàng Đình Tân, ở thôn Tam Điền, xã Ea Tam, huyện Krông Năng cho biết: Sau 3 năm tạm ngưng do dịch, năm nay người dân trong thôn rất háo hức mong chờ và đã chuẩn bị chu đáo các hoạt động của lễ hội: "Thôn mình cũng đã chuẩn bị từ sau Tết, mùng 6 là bắt đầu tiến hành tổ chức thanh niên làm trại, phân chia công việc thực hiện cho nó đảm bảo thời gian theo kế hoạch lễ hội diễn ra. Lễ hội hằng năm tổ chức ra thì cũng có cái gắn kết và đoàn kết người dân. Trong dịp này là già, trẻ cũng đều được mặc trang phục của mình đi dạo hội".

Rất đông du khách và người dân tham dự, cổ vũ các hội thi.

Theo bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam, trong nhiều năm qua, lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc được tổ chức ở xã đã trở thành hoạt động văn hóa mang đậm dấu ấn của địa phương. Lễ hội nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc từ các tỉnh vùng Việt Bắc, với nhiều nghi thức truyền thống được bà con chủ động gìn giữ và duy trì tại mỗi thôn, làng.

Các chị em xúng xính trong bộ trang phục truyền thống.

Trong lễ hội, bà con đều diện những trang phục dân tộc, cử các đội nghệ nhân tham gia các nội dung thi một cách đầy đủ, sôi nổi. Sau nhiều lần tổ chức, lễ hội đã tạo được hiệu ứng lan tỏa, thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham dự. Năm nay, lễ hội tổ chức theo hướng mở rộng quy mô một số hoạt động, tăng tính tương tác và trải nghiệm dành cho du khách.

Nhiều trang phục dân tộc được các chị, các bà lựa chọn để dự hội.

"Mọi năm là chúng tôi vẫn duy trì hoạt động thi lày cỏ nhưng năm nay chúng tôi tạo nhiều điểm nhấn hơn đối với trò chơi này, bởi vì đó là một trò chơi truyền thống đặc trưng của người đồng bào dân tộc phía Bắc. Năm nay chúng tôi cũng tổ chức một số trò chơi dành cho du khách, ví dụ là môn cà kheo, đi cầu Kiều hái lộc, bịt mắt bắt vịt, cũng là một cái trải nghiệm hay dành cho du khách"./.

H-Xíu

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 06/02/2023