Với mục đích tiếp tục phát huy nghề mộc truyền thống, đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh, giá trị văn hoá và kinh tế của các sản phẩm mộc truyền thống Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP. Hội An, Quảng Nam) đến du khách gần xa. Ngày hội làng Kim Bồng do UBND xã Cẩm Kim và TP. Hội An tổ chức diễn ra sáng 2/2/2023 (nhằm 12 tháng Giêng năm Quý Mão) đã thu hút đông đảo du khách, người dân và các tổ chức, đối tác quan tâm tham dự.
Làng nghề Kim Bồng đang "thức giấc" sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Nơi in dấu nghề mộc độc đáo ở Hội An
Làng mộc kim Bồng thuộc xã Cẩm Kim, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) sau hơn 02 năm vắng bóng du khách do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 những ngày qua liên tục xuất hiện nhiều đoàn du khách gần xa quay trở lại. Phấn khởi trước những tín hiệu nhộn nhịp vốn có của làng nghề này những ngày qua, ông Nguyễn Đình Bán (77 tuổi) - một nghệ nhân đan lát tại làng mộc Kim Bồng bộc bạch: “Làng Kim Bồng chúng tôi bên cạnh nghề mộc còn có thêm nhiều nghề truyền thống khác được lưu giữ nhiều đời nay như nghề đan lát, dệt chiếu, đóng tàu… Tuỳ khả năng của tay nghề, mỗi nhà có sản phẩm làm ra vừa để giữ nghề của cha ông, vừa bán các sản phẩm làm ra để cải thiện kinh tế. Sau 02 năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh, hơn một tháng gần đây, du khách quay trở lại Hội An khá đông và nhiều hàng quán, cửa hiệu của làng nghề đã bắt đầu có sức sống trở lại.
Cùng niềm vui của những nghệ nhân và người lao động tại làng mộc Kim Bồng, bà Đỗ Thị Bích Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cũng phấn khởi chia sẻ: Du khách quay lại TP. Hội An những ngày cuối năm 2022 và đầu năm 2023 ngày càng đông và nhộn nhịp gần như trước đây, thời điểm chưa có dịch. Đây cũng là lúc mà các cấp chính quyền TP. Hội An và xã Cẩm Kim cũng xúc tiến nhiều hoạt động để tổ chức Khai mạc Ngày hội làng nghề Kim Bồng.
“Ngày hội làng nghề Kim Bồng” được diễn ra vào 12 tháng Giêng hằng năm và đã thành “lệ” của Làng. Vào ngày này, Nhân dân xã Cẩm Kim tập trung, tề tựu tổ chức lễ Giỗ tổ nghề truyền thống Kim Bồng nhằm tưởng nhớ tri ân các bậc tiền bối đã có công lao khai thiên lập địa dựng làng, lập nghề, để lại một làng nghề có bề dày lịch sử đậm đà bản sắc văn hóa làng xã cho con cháu hôm nay. Trong các hoạt động của Ngày hội, Làng được sự giúp đỡ, chỉ đạo của lãnh đạo và ngành chức năng TP. Hội An và UBND xã Cẩm Kim để tổ chức các hoạt động truyền thống, những nét đẹp văn hoá của nghề Mộc gắn với các hoạt động sinh hoạt đời sống thường ngày mà nhiều thế hệ người dân làng Kim Bồng gìn giữ. Đặc biệt, thiêng liêng và được mỗi người dân làng Kim Bồng tôn kính, coi trọng nhất là Lễ cúng tổ nghề mộc diễn ra từ sáng sớm ngày 12 tháng Giêng tại đình Tiền Hiền của Làng. Sau Lễ cúng tổ, bà con trong làng sẽ tiến về Trung tâm trưng bày làng nghề Kim Bồng để cùng nhau tham gia các hoạt động hội như: Hội đua thuyền, các trò chơi dân gian như bịt mắt đập nêu, cờ tường, hát bài chòi, tham quan trình diễn và trưng bày các sản phẩm của làng nghề, thưởng thức các món ăn truyền thống của địa phương…
Các nghệ nhân, người thợ làng Kim Bồng đang miệt mài lao động để tạo ra những sản phẩm đẹp
Cho biết thêm về nguồn gốc của làng mộc Kim Bồng, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim Đỗ Thị Bích Thuỷ thông tin: Làng Kim Bồng (tên cũ là Kim Bồng Châu) là nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng. Tổ tiên nghề mộc Kim Bồng vốn từ khắp nơi của đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đặc biệt là vùng Thanh - Nghệ Tĩnh hội tụ vào làm ăn sinh sống từ thế kỷ 15. Bắt đầu làm từ những ngôi nhà tranh, tre cổ truyền đến những ngôi nhà khung gỗ thông thường "Tam gian nhị hạ", rồi đến các tiện nghi đồ dùng trong gia đình, phương tiện giao thông như ghe, thuyền. Từ cuối thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, với nhiều yếu tố thuận lợi, Hội An trở thành một đô thị thương cảng ngoại thương quan trọng ở Xứ Đàng trong. Nhờ vậy, các nghề thủ công truyền thống ở đây có điều kiện phát triển mạnh mẽ đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt của đô thị thương cảng; trong đó đáng kể có nghề mộc Kim Bồng. Nghề mộc Kim Bồng đã có cơ hội phát triển phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, tôn giáo - tín ngưỡng, làm đồ mộc dân dụng và đóng thuyền, trong đó có các loại thuyền buôn đường xa, trọng tải lớn. Các thế hệ thợ mộc Kim Bồng cùng các thợ thủ công các nghề truyền thống như nghề dệt chiếu, ươm tơ dệt lụa, nhuộm chàm, ... trên địa bàn đã góp phần tạo lập và bảo tồn văn hoá truyền thống của Hội An hàng trăm năm qua.
“Và trong tiến trình phát triển đó, đến này làng mộc Kim Bồng đã trở thành địa danh in dấu của một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng tại đất Hội An”- bà Đỗ Thị Bích Thuỷ khẳng định.
Quyết tâm giữ nghề
Chia sẻ những suy nghĩ của mình hiện nay, nghệ nhân Phan Xuân Nguyên (45 tuổi) cho biết, từ nhỏ anh đã theo ông bà học nghề mộc. Lớn lên cái máu yêu nghề và niềm tự hào về nghề mộc Kim Bồng càng thôi thúc anh sáng tạo, hăng say làm việc. Tuy nhiên, để có được thành công như hôm nay, bản thân anh và nhiều nghệ nhân khác của làng luôn xác định phải giữ nghề dù khó khăn đến mấy, bởi đây vừa là bản sắc văn hoá truyền thống của làng, đồng thời cũng là nét đẹp truyền thống tồn tại nhiều đời qua, đã có nhiều đóng góp để tạo nên tên tuổi, thương hiệu Hội An đối với du khách, bạn bè gần xa.
“Sau 02 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, làng nghề gần như “ngủ yên”, giờ khách đã quy lại, sức sống mới của mộc Kim Bồng đang thức dậy. Chúng tôi là những nghệ nhân, được ông bà, cha mẹ truyền nghề càng phải ý thức và tự hào hơn ai hết để quyết tâm gìn giữ, phát triển nghề” - nghệ nhân Phan Xuân Nguyên cho biết.
Trong khi đó, với nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ (sinh năm 1973) thì chia sẻ: Tôi không theo nghề mộc như bao người khác mà theo nghề điêu khắc tượng. Tượng của tôi làm chủ yếu từ gốc tre. “Ở đây có tre già dù xa tôi vẫn tìm đến để mua, thậm chí là lên cả Tây Bắc hay những vùng rừng núi xa xôi. Từ những gốc tre được tuyển lựa đảm bảo cả chất lượng lẫn hình hài để tạo ra những hình tượng độc đáo, trong đó phổ biến nhất là các tượng phật; trên cơ sở đó tôi đưa về làng Kim Bồng ngâm bùn 09 tháng để gốc tre mềm ra rồi lại đem phơi nắng 09 ngày, sau đó mới bắt tay vào chế tác. Các pho tượng từ gốc tre rất đẹp, bền, được nhiều du khách ưa chuộng mua về làm kỷ niệm.
“Mỗi ngày ngoài vợ chồng tôi thì các con tôi tuy còn nhỏ nhưng cũng đều tham gia các công đoạn chế tác tượng từ gốc tre. Tôi hy vọng, các con tôi sẽ tiếp tục yêu và giữ nghề để nghề chế tác tượng từ gốc tre, rễ tre của Kim Bồng sẽ luôn được tuyền giữ muôn đời” - nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ tâm sự.
Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ bên các tác phẩm tượng Phật từ gốc tre
Theo đại diện UBND xã Cẩm Kim, hiện nay sau khi đại dịch COVID-19 đi qua, làng nghề Kim Bồng có số lượng nghệ nhân tiếp tục theo nghề chưa nhiều. Tuy nhiên, từ những tín hiệu nhộn nhịp của du khách về Hội An từ cuối năm 2022 đang bắt đầu làm ấm lại không khí hoạt động của làng nghề. Các cấp chính quyền cũng đã và đang có nhiều động thái hỗ trợ để làng nghề trở lại như xưa, trước mắt là chào đón, giới thiệu đến du khách tham quan làng nghề, đồng thời từng bước có các cơ chế, chính sách để không ngừng quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm truyền thống của làng Kim Bồng đến với nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Về lâu dài, chính quyền xã Cẩm Kim và TP. Hội An sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng dân cư, các hiệp thợ để nỗ lực chung tay bảo tồn, mở rộng và phát triển làng nghề; tập trung vừa duy trì nghề truyền thống vừa tạo điều kiện để phát triển sinh kế cho người dân làng nghề.
Cùng với bàn tay khéo léo và nghệ thuật tài hoa của người dân làng Kim Bồng, đồng thời với sự nỗ lực đồng hành của các cấp chính quyền địa phương, tin rằng trong thời gian tới, nghề mộc và các nghề truyền thống khác của làng Kim Bồng sẽ tiếp tục phát triển, góp phần lan toả những tinh hoa, nét đẹp truyền thống của dân tộc đến với bạn bè năm châu./.
Bài, ảnh: Đình Tăng