Đó là mục tiêu của ngành nông nghiệp đặt ra trong thời gian gần đây khi nhu cầu du lịch về các làng quê có xu hướng phát triển. Các mô hình sản xuất tiêu biểu ở nông thôn miền núi luôn là điểm đến hấp dẫn cho cư dân đô thị vào các ngày nghỉ, ngày lễ. Tại đó, không chỉ du khách được tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành mà còn thưởng thức hương vị đồng quê hấp dẫn.
Ngày rời phố lên núi Sơn Trà lập nghiệp, ông Nguyễn Văn Nhu, cựu chiến binh ở phường Hòa Cường Bắc (Hải Châu) đã nghĩ tới loại hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái. Cũng từ đó, trên khu vườn rừng khoảng 3ha, ông bố trí trồng hàng nghìn cây xoài, nhãn, bưởi, cam, chanh, đu đủ, gió bầu... rất khoa học. Giữa vườn, ông thiết kế các lối nhỏ len qua các hốc đá khá ấn tượng.
Khu vực thấp dọc suối, ông ngăn thành ao thả cá cảnh. Mé đồi là chuồng trại nuôi thỏ, khu vực trồng hoa phong lan, trồng sả... Nay trang trại kết hợp du lịch sinh thái của ông có tiếng ở Sơn Trà. Du khách đến đây không chỉ tận hưởng không gian trong lành, mát mẻ mà còn được thưởng thức các món ăn lạ như gà tre nấu măng, thỏ hầm sả...
Ông Nhu cho biết: Cách đây vài ba năm, chỉ mỗi gia đình ông phát triển trang trại kết hợp du lịch sinh thái, còn nay, khu vực chân núi Sơn Trà, sát đường lên đỉnh núi đã có 4 cơ sở như vậy. Mỗi tháng phải cần 700-800 con thỏ cho cả 4 cơ sở. Nuôi tại chỗ không đáp ứng đủ, ông phải đặt mua từ nhiều địa phương khác. Ông cho hay bưởi, đu đủ, cam, chanh, thường chỉ làm quà cho du khách.
Tết năm nay sẽ chiết cành bán bưởi cảnh. Mỗi chậu toòng teng vài ba quả to, chắc chắn khách hàng sẽ rất ưa thích. Ông còn cho hay, nói là điểm du lịch sinh thái nhưng không thu phí. Du khách đến đây chủ yếu tận hưởng các món đặc sản của trang trại. So với hồi nuôi gà công nghiệp thì nay thu nhập cao gấp hàng chục lần. Điều vui hơn, cơ sở này còn là điểm gặp gỡ của bạn bè, đồng đội.
Ở xã Hòa Sơn, ông Phan Sách là điển hình sản xuất giỏi nhiều năm với mô hình nuôi cá thịt và ếch giống. Thời kỳ cao điểm, mỗi năm ông xuất bán 20-30 nghìn con ếch giống, thu hoạch 2-3 tấn cá, doanh thu ngót 100 triệu đồng. Từ điểm tựa này, ông đang phát triển thêm loại hình du lịch sinh thái. Trên các ao cá, ông đầu tư xây dựng các ngôi nhà để du khách tha hồ tận hưởng hương đồng và các món đặc sản từ ao hồ.
Ông Sách cho biết, tham quan một số mô hình thấy họ khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái đồng quê khá hiệu quả nên học tập làm theo. Hai loại hình kinh tế này bổ trợ cho nhau rất hiệu quả. Tại đây, du khách rất thích câu cá và họ tự nướng, chiên những con cá vừa câu lên. Bữa tiệc nhỏ bên bờ ao, cùng tiếng nhạc bập bùng tạo nên khung cảnh khá ấn tượng tại làng quê này.
Các mô hình nêu trên chỉ là phần nhỏ của loại hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái ở Đà Nẵng, cho thấy chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị gắn du lịch sinh thái của ngành nông nghiệp Đà Nẵng đã có bước khởi đầu khá lạc quan. Trước đó, nhiều mô hình đi tiên phong đã tạo dấu ấn sâu đậm trong du khách và là điểm đến lý tưởng cho cư dân đô thị như Khu du lịch Suối Hoa ở xã Hòa Phú, Khu du lịch Thủy Hoa Viên ở phường Hòa Hiệp Bắc... Các khu du lịch này cũng bắt đầu từ kinh tế trang trại.
Với thành phố gần 1 triệu dân và sẽ nhiều hơn trong nay mai, nhu cầu ngày nghỉ, ngày lễ, mọi người rời xa phố xá đến với các khu du lịch sinh thái để nghỉ ngơi, thư giãn ngày càng lớn. Và như vậy, nông dân cần ưu tiên đầu tư cho loại hình kinh tế này vì không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo ra điểm đến hấp dẫn cho cư dân đô thị.