An Giang: Đẩy mạnh thực thi pháp luật về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư

Cập nhật: 08/02/2023
Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã có Công văn số 1353/UBND-KTN gửi các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh thực thi pháp luật và tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư.

Theo số liệu thống kê sơ bộ (năm 2020, 2022), trên địa bàn tỉnh An Giang ghi nhận nhiều loài chim hoang dã, quý, hiếm xuất hiện tại khu bảo tồn như: Khu Bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư ghi nhận 70 loài chim nước, trong đó có 2 loài rất quý, hiếm là cò lạo Ấn Độ và cò cổ rắn hay Điêng Điểng; Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến ghi nhận 63 loài, trong đó có loài chim rất nguy cấp là sẻ đồng ngực vàng. Bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của khoảng 11 loài chim hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, trong đó có 3 loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, gồm: Điêng điểng, vạc hoa, quắm cánh xanh.  

Để bảo tồn, ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư góp phần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nội dung như sau:

Sở TN&MT hướng dẫn quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư trên địa bàn tỉnh theo quy định; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan: Tăng cường tuần tra, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, chim di cư;  Xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; Tăng cường theo dõi, kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, chim di cư ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi; Tập trung tổ chức bảo tồn và thực hiện các hoạt động phát triển bền vững các vùng đất ngập nước theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 02/UBND-KTN ngày 04/01/2022 góp phần bảo vệ sinh cảnh sống của loài chim hoang dã, chim di cư.

Sở Tài chính có nhiệm vụ hàng năm căn cứ khả năng cân đối ngân sách, chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn kinh phí thực hiện trên cơ sở lồng ghép với các chương trình, dự án và các nguồn hợp pháp khác theo quy định phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước.

Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An Giang tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 04/CT-TTg; Tuyên truyền không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt trong mùa di cư từ tháng 9 của năm trước đến tháng 4 và tháng 5 của năm sau.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm việc không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo trái pháp luật các loài chim hoang dã, chim di cư. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh trong trường hợp để xảy ra các hành vi vi phạm quy định pháp luật liên quan đến loài hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã, chim di cư trong cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo tuần tra, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, chim di cư; tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp; xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn quản lý. Cùng với đó, theo dõi, kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi trên địa bàn quản lý; Tập trung tổ chức bảo tồn và thực hiện các hoạt động phát triển bền vững các vùng đất ngập nước theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 02/UBND-KTN ngày 4/1/2022 theo thẩm quyền quản lý. Ngoài ra, tổ chức thông tin tuyên truyền tới từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng dân cư trên địa bàn quản lý nghiêm túc chấp hành nghiêm các hoạt động bảo tồn loài chim hoang dã, chim di cư theo quy định pháp luật, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Vũ Hồng

Nguồn: Tạp chí Môi trường - tapchimoitruong.vn - Ngày 03/02/2023