Hồ Ea Snô (xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là điểm du lịch có cảnh quan thiên nhiên hữu tình, hoang sơ. Đến đây, du khách còn được nghe kể về truyền thuyết hồ Ea Snô rất thú vị…
Tên gọi của hồ
Ea Snô, tên gọi của hồ có nguồn gốc từ truyện cổ Tâm Băn Dih liên quan đến người Êđê và M’nông bản địa.
Người M’nông gọi hồ này là Đắk Sơt Nô. Đắk nghĩa là nước, hồ nước; Sơt có nghĩa là chết; Nô có nghĩa là người anh ruột, người cùng huyết thống. Đắk Sơt Nô có nghĩa là hồ chết người anh.
Người Êđê lại gọi hồ này là Ea No, cũng như Đắk của người M’nông, Ea có nghĩa là nước, hồ nước, dòng suối; No có nghĩa là sụp đổ, phá hủy. Ea No có nghĩa là hồ được hình thành từ sự sụp đổ, phá hủy.
Cảnh đẹp bình yên trên hồ Ea Snô.
Theo ghi chép một số tư liệu, từ năm 1859 – 1954, người Pháp đến thám hiểm và chinh phục vùng đất Tây Nguyên đã ghi tên hồ này trên bản đồ hành chính là hồ Ea Snô. Cũng từ đó cách gọi này trở nên phổ biến.
Có lẽ người Pháp đã chuyển hóa ngôn ngữ và câu từ mang tính giao thoa giữa hai nhóm người M’nông và Êđê; danh từ Đắk Sơt Nô và Ea No đã được kết hợp thành Ea Snô, trong đó từ Ea là ngôn ngữ của người Êđê và từ Snô là của người M’nông viết tắt từ chữ Sơt Nô.
Tuy về cách phát âm, cách viết tên hồ Ea Snô có khác nhau nhưng những truyền thuyết liên quan đến danh thắng này đều có cùng nội dung và ý nghĩa.
Truyền thuyết hồ Ea Snô
Đến tham quan hồ Ea Snô, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hữu tình mà còn được nghe kể về truyền thuyết thú vị liên quan đến hồ nước này.
Các già làng người M’nông nhóm Préh ở buôn 9 (buôn Leng) và buôn Ol, xã Đăk Drô (huyện Krông Nô) kể lại rằng: Ngày xưa, khu vực hồ Ea Snô bấy giờ núi rừng âm u rậm rạp, có nhiều con nai, con hoẵng, nhiều nơi không có dấu chân người đến, núi rừng rộng lớn người dân thưa thớt, buôn, bon của người M’nông và Êđê cách xa nhau lắm, đi mấy ngày đường mới đến thăm hỏi được nhau.
Khu vực hồ hiện nay trước đây là bon của người M’nông, với khoảng vài chục hộ. Trong bon có một gia đình rất nghèo có hai người con, người anh tên N’Chông, người em gái tên M’Po˘.
Khi hai anh em còn nhỏ thì cha mẹ lần lượt qua đời, hai anh em bị bán đến các gia đình khác. Sau nhiều lần bị mua đi bán lại, N’Chông được đưa về một gia đình trong bon cũ. Hai anh em ở cùng một bon mà không hay biết.
Năm tháng trôi đi N’Chông và M’Po˘ ngày một lớn khôn, trở thành chàng trai cô gái miệng biết hát lời tình yêu. N’Chông là một chàng trai khỏe mạnh, thông minh, hiền lành, chịu khó, giỏi săn bắt.
Còn M’Po˘ lớn lên xinh đẹp như cánh hoa rừng, lại hiền lành, khéo tay, thổ cẩm, váy áo do M’Po˘ dệt bao giờ cũng đẹp hơn người. Rồi M’Po˘ và N’Chông yêu nhau rồi lấy nhau.
Anh em họ đã phạm tội loạn luân mà không hề hay biết. Các vị thần linh hiểu rõ điều ấy đã không nén cơn giận dữ trừng phạt hai anh em, phạt cả dân làng nơi họ đã sinh ra.
Hoàng hôn trên hồ Ea Snô.
Mùa mưa năm ấy thật khủng khiếp, mưa liên tục, mặt đất đầy nước, gió ở mọi nơi dồn về tạo nên một trận cuồng phong dữ dội, đất trời rung chuyển suốt 7 ngày 7 đêm, rồi làm sụp đổ cả bon, nhà cửa, heo, gà… mọi vật đều bị nhấn chìm trong nước.
Cá sấu không biết từ đâu nổi lên ăn thịt tất cả dân làng, trâu, bò, lợn, gà trong bon. Nước lũ cứ dâng cao mãi, cao mãi lên tận ngọn cây cao nhất ở giữa bon nơi có con chim nhồng (sĩm eng) mẹ đang ấp trứng, chim mẹ mất tổ cũng loạng choạng, chấp chới đôi cánh bay về hướng đông, chim bay đến đâu dòng nước hung ác cứ ào ào đuổi theo đến đó, chim bay mãi đến gặp dòng sông Krông Nô thì kiệt sức và chết.
Chỗ bon làng bị nước nhấn chìm sụp xuống thành hồ nước lớn, đường chim bay trốn dòng nước dữ tạo thành những nhánh, những eo hồ và dòng suối nhỏ nối thông giữa hồ Ea Snô với sông Krông Nô. N’Chông và M’Po˘ chết đi, hồn của họ biến thành đôi chim nhồng (sĩm eng) biết nói tiếng người, làm tổ và quấn quýt nhau bên bờ hồ.
Ngày nay, đến hồ Ea Snô chúng ta vẫn có thể thấy được những dấu tích huyền thoại ấy, già làng thường lấy câu chuyện này giáo dục con cháu mình đừng làm chuyện gì sai trái mà bị các thần linh phạt, đừng phá vỡ những phong tục, tập quán tốt đẹp mà tổ tiên để lại.
Đoàn Nhân