Bên cạnh những giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất tại các làng nghề, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nam Định còn chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường làng nghề, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có 142 làng nghề, trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Làng nghề nông thôn của Nam Định được chia làm 05 nhóm làng nghề chính: Nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; Nhóm làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, cơ khí, tái chế; Nhóm làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Nhóm làng nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; Nhóm làng nghề xây dựng và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn và được phân bổ ở tất cả các huyện và thành phố.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua từ sự thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn của UBND tỉnh; các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đến nay công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, một số xã có làng nghề chưa lập và trình phê duyệt phương án bảo vệ môi trường theo quy định; hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề phát triển tự phát, manh mún, quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, hoạt động không liên tục, sản xuất theo thời vụ; nguồn vốn có hạn nên việc đầu tư máy móc thiết bị mới vào sản xuất cũng như đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải còn khó khăn; nhiều làng nghề chưa có hệ thống thu gom nước thải tách biệt với hệ thống thu gom nước mưa, chưa có biện pháp xử lý nước thải, khí thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường, chưa có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu…
Tỉnh Nam Định triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Để khắc phục và thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ làng nghề, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, xã, phường, thị trấn tập trung chấn chỉnh hoạt động sản xuất và công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề.
Theo đó, các phòng chuyên môn, UBND xã/phường/thị trấn khẩn trương lập và trình UBND huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề, làm căn cứ để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường; chỉ đạo việc thành lập và hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề; có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất trong làng nghề. Rà soát, đưa vào kế hoạch chuyển đổi ngành nghề, di dời cơ sở, hội gia đình ra khỏi khu dân cư đối với các cơ sở, hội gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không được khuyến khích phát triển và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài.
UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện rà soát cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề; cơ sở hộ gia đình không thực hiện kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài đưa vào kế hoạch chuyển đổi ngành nghề tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề.
Đồng thời, rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, bố trí phân bổ quỹ đất phù hợp với quy hoạch của địa phương để xây dựng các Cụm công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Thực hiện công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế cho phù hợp với điều kiện hoạt động của từng làng nghề.
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo phải chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, công bố danh sách tất cả các làng nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển và làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm làng nghề trong và ngoài nước. Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề.
UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Sở TN&MT phải hướng dẫn thực hiện quy định trách nhiệm về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó tập trung vào làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm làng nghề; tham mưu giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Phối hợp với UBND cấp huyện, các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề, văn bản dẫn ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh; thêm rằng: tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện của các địa phương và tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo quy định.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp làng nghề gắn liền với bảo vệ môi trường để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Hướng dẫn kiểm tra an toàn sử dụng hóa chất của các cơ sở sản xuất hoạt động trong làng nghề, nhất là các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Phối hợp UBND cấp huyện, các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp trong làng nghề...
Đỗ Hải