Hoàn thiện chính sách bảo tồn, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học

Cập nhật: 09/02/2023
Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Tham gia Công ước Đa dạng sinh học từ năm 1994, đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hướng đến giải quyết các mối đe dọa về đa dạng sinh học một cách toàn diện. Tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học cũng như kêu gọi các nước thành viên có hành động tương tự để hướng đến xây dựng hành tinh thịnh vượng và khỏe mạnh.

Dự thảo Báo cáo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia nhằm định hướng việc bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong thời kỳ quy hoạch; bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm được bảo tồn, phát triển bền vững; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Dự thảo, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ tiến hành quy hoạch 258 khu bảo tồn, 100 cơ sở bảo tồn, 8 hành lang đa dạng sinh học, 32 khu vực đa dạng sinh học cao, 28 cảnh quan sinh thái quan trọng, 40 vùng đất ngập nước quan trọng; đồng thời tập trung vào các giải pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; cơ chế, chính sách; khoa học - công nghệ; tài chính, đầu tư; đào tạo, tăng cường năng lực; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện quy hoạch.

Từ nay đến năm 2030, công tác quy hoạch đa dạng sinh học đặt mục tiêu mở rộng, nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt tương đương 9% diện tích lãnh thổ đất liền; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3 - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia; duy trì và phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; tổng số cơ sở bảo tồn đạt 61 cơ sở với các loại hình: vườn thực vật, vườn cây thuốc, vườn động vật, trung tâm cứu hộ động vật, ngân hàng gen.

Cùng với đó, quy hoạch đa dạng sinh học hướng tới củng cố, phát triển hệ thống hành lang đa dạng sinh học nhằm kết nối các sinh cảnh, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái và loài sinh vật; tổng số hành lang đa dạng sinh học đạt 12 hành lang; thành lập mới hệ thống các khu vực đa dạng sinh học cao, hệ thống các khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng, danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng tại các vùng sinh thái trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Cụ thể, về xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án. Trong giai đoạn 2022-2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng, trình ban hành các văn bản sau: Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch mở rộng và tăng cường quản lý hệ thống các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam; Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Chương trình đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên; Chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; hướng dẫn triển khai xây dựng kế hoạch hành động và chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học ở cấp tỉnh;

Đề án tăng cường năng lực cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; Đề án phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước bị suy thoái; Đề án phát huy giá trị, tăng cường đầu tư, sử dụng hiệu quả vốn tự nhiên và đa dạng sinh học cho mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID; Đề án quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên; Văn bản chỉ đạo của Đảng về tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Trong giai đoạn 2026-2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xây dựng, trình ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án về bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, các loài nguy cấp, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, huy động nguồn lực và xây dựng năng lực quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

Về xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đa dạng sinh học, giai đoạn 2022-2025, tập trung xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sau: Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/ 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. 

Dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn khoản 5 Điều 42 và khoản 4 Điều 47 của Luật Đa dạng sinh học và sửa đổi Điều 17 Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học; Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại; Dự thảo Thông tư quy định định mức kinh tế kỹ thuật về điều tra, quan trắc đa dạng sinh học... 

PV

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 07/02/2023