Vĩnh Long: Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Cập nhật: 13/02/2023
Thời gian tới, nhằm phát huy những lợi thế, tiềm năng trong phát triển du lịch, tỉnh Vĩnh Long xác định cần tăng cường quảng bá, liên kết với các ngành, các địa phương trong khu vực để thúc đẩy phát triển du lịch; đồng thời phải chủ động, đa dạng các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách…

Vĩnh Long là tỉnh thuộc trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, với lợi thế khí hậu trong lành, kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, đất đai được phù sa bồi đắp, cây trái bốn mùa sum suê, nơi đây giữ gìn nhiều giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của khu vực ĐBSCL. Vĩnh Long có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận tiện, cơ sở lưu trú ngày càng đảm bảo, nâng cao chất lượng, thích hợp cho phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn,… 

Sau gần 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long đã hồi phục mạnh mẽ. Tổng lượt khách đến tham quan du lịch tại tỉnh Vĩnh Long trong năm 2022 ước đạt 1 triệu lượt khách, đạt 166% chỉ tiêu năm 2022 – 600.000 lượt khách, tăng 150 % so với cùng kỳ 2021. Doanh thu ước đạt 480 tỷ đồng, đạt 160% so với chỉ tiêu 2022 – 300 tỷ, tăng 155% so với cùng kỳ năm 2021.

Phát huy những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch 

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 từ ngày 26 Tết đến hết mùng 4 Tết, Vĩnh Long đón ước đạt gần 60.000 lượt khách, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1.200 lượt, doanh thu trên 27 tỷ đồng, công suất phòng lưu trú đạt trung bình 65 đến 70%. Ngoài ra, từ ngày 20/01 đến 25/01/2023 (tức 29 đến mùng 4 Tết) Bảo tàng tỉnh và các di tích trên địa bàn tỉnh đón trên 30.300 lượt khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. 

Với lợi thế tiềm năng du lịch homestay, du lịch sinh thái sông nước, du lịch làng nghề, di tích lịch sử, văn hóa, Vĩnh Long đang dần khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam. Để đánh thức khai thác tiềm năng lợi thế, ngành du lịch Vĩnh Long đang nỗ lực tích cực xây dựng sản phẩm đặc trưng để mời gọi du khách trong và ngoài nước đến Vĩnh Long. Du lịch Vĩnh Long đang hướng đến mục tiêu “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó ngành du lịch Vĩnh Long nỗ lực tập trung: Xây dựng 04 sản phẩm du lịch đặc thù theo Đề án của UBND tỉnh phê duyệt (Du lịch homestay, Du lịch Nông nghiệp, Du lịch Làng nghề, Du lịch Văn hóa). Trong đó, có 02 sản phẩm trọng điểm tập trung xây dựng là sản phẩm du lịch: “Vương quốc lò gạch” ở huyện Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời phát huy di tích Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu. Nghiên cứu xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng cù lao trên địa bàn tỉnh (cù lao An Bình, cù lao Mây, cù lao Dài); bổ sung các sản phẩm gắn liền với các dịch vụ giúp tăng nguồn thu từ du lịch như mua sắm, ăn uống, thưởng thức nghệ thuật như sản phẩm “Về Vĩnh Long xem Hát Bội”, nghệ thuật đờn ca tài tử...

Du lịch sinh thái đang thu hút đông đảo khách du lịch trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch lại cụm tuyến du lịch trong Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch, như: Tuyến nội tỉnh, nổi bật tuyến du lịch sông Tiền “Vĩnh Long – Long Hồ - Mang Thít - Vũng Liêm” với các điểm đến như: Cù lao An Bình, Di sản đương đại Mang Thít, cù lao Dài, Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hồ Vũng Linh, chùa Hạnh Phúc Tăng.

Đồng thời, kết nối với nguồn khách xuất phát từ hướng thành phố Cần Thơ đối với tuyến du lịch sông Hậu theo hướng kết hợp du lịch sinh thái với tham quan các di tích, di sản văn hoá phi vật thể với các điểm đến như Mỹ Hòa/cù lao Mây, Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, chùa Phước Hậu, Tàu hũ ky Mỹ Hòa/Bánh tráng cù lao Mây/Bánh tráng giấy Tường Lộc. Du lịch đường bộ của tuyến này với điểm đón trục chính thành phố Hồ Chí Minh. Tuyến liên tỉnh liên kết từ gần đến xa, độ dài hành trình từ 3 - 5 ngày qua các tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…

Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh cũng tập trung các giải pháp về nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ quản lý; năng lực chuyên môn cho đội ngũ lao động du lịch. Tăng cường phối hợp giữa các ngành trong tỉnh, liên kết vùng. Xây dựng các sản phẩm du lịch. Bảo vệ tôn tạo tài nguyên, môi trường du lịch. Về cơ chế chính sách, quy hoạch. Giải pháp về nguồn vốn. Về xúc tiến quảng bá du lịch.

Đức Minh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 12/02/2023