Việt Nam sẽ thành lập Mạng lưới các khu Ramsar

Cập nhật: 16/02/2023
Năm 2023, Bộ TNMT dự kiến sẽ ban hành các quy định về việc thành lập và tổ chức hoạt động Mạng lưới các khu Ramsar và Danh mục vùng đất ngập nước quan trọng của Việt Nam.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long – Ninh Bình.

Nhằm đáp ứng với yêu cầu về quản lý đất ngập nước (ĐNN) của quốc gia và thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên khi tham gia Công ước Ramsar, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật về quản lý đất ngập nước nhằm nội luật hóa các quy định của Công ước, đồng thời triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước trên toàn quốc.

Đặc biệt, ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 – 2030 (Kế hoạch). Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là đến năm 2025, cả nước có 13 khu Ramsar và tăng lên 15 khu vào năm 2030, phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái.

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TNMT), đến nay, Việt Nam đã đề cử thành công 9 khu Ramsar với tổng diện tích 120.549 ha, bao gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy – Nam Định (1989); Bàu Sấu thuộc vườn quốc gia Cát Tiên – Đồng Nai (2005); Hồ Ba Bể – Bắc Kạn (2011); Tràm Chim – Đồng Tháp (2012); Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - Cà Mau (2013); Vườn quốc gia Côn Đảo - Bà Rịa-Vũng Tàu (2014); Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen – Long An (2015); Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang (2016); Khu bảo tồn thiên nhiên ĐNN Vân Long – Ninh Bình (2017).

Việc công nhận các khu Ramsar góp phần thu hút sự chú ý của quốc tế và quốc gia trong công tác bảo tồn ĐNN, đồng thời tăng cường công tác nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô giá của đất nước nói chung và các khu Ramsar nói riêng, tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bước đầu, Mạng lưới các khu Ramsar của Việt Nam đã được thiết lập, vận hành hoạt động.

Cộng đồng quan tâm có thể truy cập website Mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam tại trang thông tin điện tử https://vran.vn/.

Năm 2023, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình ban hành hai Quyết định của Bộ trưởng Bộ TNMT về việc thành lập và tổ chức hoạt động Mạng lưới các khu Ramsar, và Danh mục vùng đất ngập nước quan trọng. Cùng với Kế hoạch, các văn bản trên sẽ góp phần trong việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN, từng bước thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là thành viên Công ước về các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar).

Trước đó, 47 khu bảo tồn ĐNN đã được đưa vào quy hoạch và khoanh vùng để thành lập. Năm 2019-2020, Việt Nam đã thành lập 2 Khu Bảo tồn thiên nhiên ĐNN là Khu bảo tồn thiên nhiên ĐNN Thái Thụy, Thái Bình và Khu bảo tồn thiên nhiên ĐNN Tam Giang – Cầu Hai, Thừa Thiên Huế. Nhiều địa phương cũng đang chủ động xúc tiến triển khai các dự án xây dựng hồ sơ thành lập khu bảo tồn, trong đó xác định các tiêu chí và khả năng đáp ứng khu Ramsar để đề cử trong tương lai. Bộ TNMT cũng đang triển khai hướng dẫn địa phương và tổ chức thẩm định Hồ sơ đề cử Khu Ramsar Bắc Đồng Nai với nhiều tiêu chí phù hợp. Nếu được Ban thư ký Công ước Ramsar chấp thuận, Việt Nam sẽ có khu Ramsar thứ 10 trong thời gian không xa.

Thời gian qua, các hoạt động bảo vệ môi trường sông, vùng ven biển đã được cộng đồng dân cư trên cả nước chủ động và tích cực tham gia, nhiều hoạt động bảo tồn, sử dụng khôn khéo ĐNN được triển khai sâu rộng trên toàn quốc. Các mô hình quản lý hoặc bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN dựa vào cộng đồng được thực hiện tại nhiều địa phương như nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường, ao tôm sinh thái ở vùng ven biển miền Bắc, quản lý rạn san hô ở Ninh Thuận…

Hậu Thạch

Nguồn: Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường - baovemoitruong.org.vn - Đăng ngày 11/02/2023