Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kinh tế tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và nông nghiệp giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tỉnh về hướng Đông.
Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 đang được thi công, đoạn xã An Khánh, huyện Châu Thành.
Thực hiện 3 đột phá, 11 công trình, dự án
Ba đột phá được xác định là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN), phát triển các cơ chế, chính sách phù hợp, phấn đấu đưa Chỉ số cải cách hành chính vào nhóm 20 cả nước; huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, cấp nước, giao thông, logistics, đô thị, phấn đấu hình thành giai đoạn 1 tuyến động lực ven biển; phát triển nguồn nhân lực phù hợp Tầm nhìn chiến lược tỉnh đến năm 2030 và năm 2045; tập trung xây dựng nhân lực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, quản lý DN, hợp tác xã.
11 công trình, dự án trọng điểm gồm: Xây dựng hoàn thành cầu Rạch Miễu 2; hoàn thành cơ bản hệ thống thủy lợi, cấp nước chính trên địa bàn tỉnh; triển khai ít nhất 500ha các dự án đô thị TP. Bến Tre và các huyện; phát triển 4.000ha nuôi tôm biển công nghệ cao; triển khai các dự án điện gió, có ít nhất 1.500MW đưa vào khai thác; chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án điện khí; xây dựng tuyến động lực ven biển (giai đoạn 1); phát triển mới 5.000 DN; xây dựng 100 DN dẫn đầu; thành lập Trường Đại học Bến Tre thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; xây dựng Làng văn hóa du lịch Chợ Lách; xây dựng Trung tâm Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách; hoàn thành lấp đầy Khu công nghiệp Phú Thuận và mỗi huyện 1 cụm công nghiệp ít nhất 70ha, riêng huyện Chợ Lách có diện tích phù hợp.
Sau đại hội, các cấp chính quyền đã sớm triển khai, cụ thể hóa thực hiện nghị quyết đại hội. Chú trọng duy trì, ổn định sản xuất nông nghiệp. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) được tiếp tục triển khai, tập trung đầu tư phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì với các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 được triển khai nghiêm túc, kịp thời. Dự án đầu tư Khu công nghiệp Phú Thuận, Khu nhà ở công nhân và tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Phú Thuận đang tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Một số kết quả đạt được
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, một số công trình, dự án trọng điểm đã được khởi công như: cầu Rạch Miễu 2; các dự án thuộc hệ thống thủy lợi, cấp nước; nuôi tôm công nghệ cao; các dự án điện gió... Qua đó, tạo tiền đề, nền tảng quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết cả nhiệm kỳ.
Riêng năm 2022, sản xuất nông - ngư nghiệp tương đối thuận lợi, tăng trưởng khu vực I đạt 3,27%. Toàn tỉnh có 50 tổ hợp tác, 59 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan. Trong năm, đã công nhận 17 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; lũy kế đến nay toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn NTM.
Tình hình hoạt động sản xuất của các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mặc dù còn gặp không ít khó khăn... nhưng đang dần phục hồi và có bước tăng trưởng khá cao. Trong năm 2022, khu vực II tăng trưởng 12,72%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 36.500 tỷ đồng, tăng 12,65% so với cùng kỳ và đạt 95,30% kế hoạch.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 57.036 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ và đạt 101,85% kế hoạch. Hỗ trợ xúc tiến thương mại ngoài nước được quan tâm thực hiện, qua các đoàn giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa với DN nhiều bản ghi nhớ hợp tác được ký kết; triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số 1.000 DN bước đầu hiệu quả.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.510 triệu USD, tăng 19,69% so với cùng kỳ và đạt 100,64% kế hoạch; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.635,6 tỷ đồng, đạt 106,43% dự toán Trung ương giao và 100,02% dự toán địa phương phấn đấu.
Hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư, bảo dưỡng, nâng cấp, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa. Tỉnh đã phối hợp khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2; trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh, với tổng mức đầu tư 11.627,14 tỷ đồng; triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng cầu Đình Khao trên quốc lộ 57 nối tỉnh Bến Tre - Vĩnh Long.
Phát triển đô thị được chú trọng, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV, 20 đô thị loại V. Diện tích dự án đầu tư phát triển đô thị được triển khai trong năm 2022 là 150ha, hiện có 3 dự án với tổng quy mô là 125,7ha đã chọn được nhà đầu tư, đang triển khai quy trình đầu tư xây dựng.
Nhìn chung, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phục hồi và đạt được một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,33% (cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI và đứng thứ 9/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long).
Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực
Bến Tre phấn đấu xây dựng địa phương trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030. Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác ngày 16-2-2023, tỉnh đã kiến nghị một số nội dung để Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ trên lĩnh vực phát triển tỉnh về hướng Đông; về đất đai; về đầu tư một số dự án cấp bách để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; về định hướng xây dựng tỉnh Bến Tre trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận báo cáo tiến độ triển khai dự án cầu Rạch Miễu 2.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đã đề nghị cho phép tỉnh được triển khai các dự án lấn biển tại một số khu vực bờ biển của tỉnh để thu hút, mời gọi đầu tư các dự án đầu tư về công nghiệp, cảng biển, cảng sông, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, các dự án logistics làm cửa ngõ phục vụ khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, các dự án đô thị, du lịch, thế hệ mới… Mục đích nhằm vừa khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, vừa phòng chống sạt lở bờ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo quỹ đất và không gian phát triển mới cho địa phương.
Để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng điện gió, trước đó tỉnh đã trình Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để triển khai hệ thống lưới điện giải tỏa công suất cho các dự án; đồng thời, có định hướng lộ trình để phát triển bền vững ngành công nghiệp này. Để các đề xuất phù hợp với dự thảo Quy hoạch điện VIII, tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã kiến nghị Trung ương xem xét, phân bổ cho tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025 phát triển thêm 1.500MW và giai đoạn 2025 - 2030 thêm ít nhất 4.500MW điện gió, trong tổng sơ đồ điện VIII, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời kiến nghị Trung ương cho phép để tỉnh triển khai Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất hydrogen xanh tại tỉnh. Qua đó, nhằm giúp địa phương tận dụng tốt tiềm năng về điện gió và kịp thời thu hút các nhà đầu tư có công nghệ sản xuất hydro hiện đại.
Để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đã kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tỉnh, sớm triển khai dự án tuyến đường ven biển; đồng thời, đồng thuận cho tỉnh triển khai hoạt động lấn biển, mở rộng không gian phát triển tỉnh.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc