Việt Nam có đa dạng tài nguyên sinh vật cao thứ 16 trên thế giới và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu.
Ảnh: minh họa
Sự đa dạng về các hệ sinh thái tự nhiên như hệ sinh thái trên cạn (đồng cỏ, rừng, savan...), hệ sinh thái đất ngập nước (rừng ngập mặn, rạn san hô, hồ chứa...) và hệ sinh thái biển đã tạo nên môi trường sống quan trọng cho 13.766 loài, động vật trên cạn; 10.300 loài, vi sinh vật; 7.500 loài, sinh vật nước ngọt và 11.000 loài sinh vật biển. Các hệ sinh thái của Việt Nam còn là nơi cư trú của một số động vật quý hiếm trên thế giới.
Đa dạng sinh học ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người, cung cấp khoảng 80% lượng thủy sản khai thác từ vùng biển ven bờ và đáp ứng gần 40% lượng protein cho người dân. Nghề thủy sản đem lại nguồn thu nhập chính cho khoảng 8 triệu người và một phần thu nhập cho khoảng 12 triệu người. Khoảng 70% tăng trưởng du lịch là từ các vùng duyên hải có các hệ sinh thái tự nhiên giàu đa dạng sinh học...
Bảo tồn đa dạng sinh học được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những giải pháp để thực hiện phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, sự giảm sút ngày càng nhiều cá thể, loài trong tự nhiên là vấn đề đáng báo động. Hiện, mức độ suy thoái ở Việt Nam được xếp vào nhóm 15 nước hàng đầu thế giới về số loài thú, nhóm 20 nước về số loài chim, nhóm 30 nước về số loài thực vật lưỡng cư.
Suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam bắt nguồn trước hết từ việc gia tăng quá nhanh dân số nước ta, diện tích rừng bị thu hẹp, việc khai thác quá mức tài nguyên sinh vật biển, việc áp dụng quá rộng rãi các giống mới trong sản xuất nông nghiệp... đã dẫn tới sự thu hẹp hoặc mất đi các hệ sinh thái, dẫn tới nguy cơ tiêu diệt 28% loài thú, 10% loài chim, 21% loài bò sát và lưỡng cư.
Nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm đa dạng sinh học, ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo mục tiêu đến năm 2030, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt 9% diện tích lãnh thổ đất liền; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3% đến 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia; 70% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42% đến 43%...
Các chuyên gia môi trường khuyến nghị, Nhà nước cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, nhất là chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; các đề án phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước đang bị suy thoái; lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của các ngành có tác động nhiều đến đa dạng sinh học như nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng…
Bên cạnh đó, cần có cơ chế đột phá để huy động nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học phù hợp các điều ước quốc tế; khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện các mô hình hợp tác công-tư trong bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Đồng thời, ban hành các chính sách tài chính hỗ trợ phát triển sinh kế của cộng đồng dân cư sống trong khu vực vùng đệm hệ sinh thái.
Giải pháp căn cơ lâu dài là nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của các tổ chức, cá nhân; xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Hoàng Lâm