(TITC) - Ngày 16/2, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với Phái đoàn Doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN (EU-ABC) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam về sự phục hồi du lịch sau đại dịch và cơ hội phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam thông qua chuyển đổi số và bảo vệ môi trường.
Dự buổi làm việc, về phía Tổng cục Du lịch có đại diện lãnh đạo, cán bộ Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Thị trường du lịch, Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn và Trung tâm Thông tin du lịch.
Về phía EU-ABC và Eurocham có ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành EU-ABC; ông Gabor Fluit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cùng nhiều doanh nghiệp trong đoàn.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Tại buổi làm việc, đại diện từ EU-ABC và Eurocham mong muốn được lắng nghe, tìm hiểu về chính sách du lịch cũng như định hướng phục hồi và phát triển du lịch của Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Đồng thời bày tỏ thiện chí tăng cường hợp tác với Tổng cục Du lịch trong các hoạt động phục hồi du lịch và thúc đẩy cơ hội phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam thông qua chuyển đổi số và bảo vệ môi trường.
Ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành EU-ABC cho biết, EU-ABC và Eurocham cùng các doanh nghiệp thành viên luôn là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp châu Âu với ASEAN và Việt Nam. Các doanh nghiệp hiện nay rất quan tâm tới việc phát triển du lịch xanh, bền vững, đặc biệt hứng thú tìm hiểu thêm về quá trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành du lịch Việt Nam. Cùng với đó, Giám đốc điều hành EU-ABC cũng bày tỏ mong muốn về việc thiết lập chứng chỉ du lịch xanh, bền vững cho hệ thống nhà hàng, khách sạn và cơ sở dịch vụ tại Việt Nam.
Ông Chris Humphrey (Giữa), Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Về chính sách xuất nhập cảnh, thị thực dành cho khách du lịch, ông Gabor Fluit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) cho biết, đại dịch đã có ảnh hưởng rất lớn tới du lịch toàn cầu, việc phục hồi nhanh chóng và bền vững là hết sức cấp thiết hiện nay. Việt Nam là một trong những nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mở cửa chào đón du khách quốc tế quay trở lại sớm nhất cùng chính sách thông thoáng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đề xuất, để tăng cường thu hút khách từ các nước Liên minh châu Âu thì Việt Nam nên xem xét mở rộng chính sách miễn thị thực, đồng thời kéo dài thời gian miễn thị thực.
Vui mừng và đánh giá cao sự phát triển của kết nối hàng không giữa Việt Nam và các nước, cũng như sự phát triển của hệ thống cảng hàng không ở Việt Nam, ông Gabor Fluit cũng bày tỏ hy vọng Việt Nam tiếp tục quan tâm cải thiện dịch vụ tại các sân bay của Việt Nam, giảm thời gian chờ đợi và tạo sự thuận lợi cho du khách như vậy hình ảnh của Việt Nam sẽ càng ấn tượng hơn trong mắt du khách quốc tế, bởi sân bay chính là hình ảnh đầu tiên đại diện cho Việt Nam khi chào đón du khách quốc tế tới với đất nước.
Hoan nghênh đoàn doanh nghiệp EU-ABC và Eurocharm đến làm việc với Tổng cục Du lịch, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội trong phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch xanh, bền vững. Sau 3 năm đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây nên, năm 2023 được kỳ vọng sẽ là một năm khởi sắc của ngành du lịch.
Về hoạt động kết nối hàng không giữa Việt Nam và các nước châu Âu, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, sau khi mở cửa trở lại, Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam. Các hãng hàng không đã mở lại gần như hoàn toàn các đường bay quốc tế, kết nối trở lại giữa Việt Nam và các nước.
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Về công tác cải thiện, nâng cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng ở các sân bay quốc tế của Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu thông tin, trong thời gian tới khi sân bay quốc tế Long Thành tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 40km được đưa vào hoạt động, sẽ góp phần giảm tải cho các sân bay trong nước, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất. Việc đổi mới quản lý vận hành, dịch vụ cũng đang được cải thiện từng ngày và không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn. Nhân dịp này, Phó Tổng cục trưởng cũng kêu gọi sự quan tâm, đầu tư từ các doanh nghiệp châu Âu để góp phần nâng cấp hạ tầng, dịch vụ hàng không của Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết thêm, sau đại dịch, thói quen và hành vi du lịch của du khách trên toàn thế giới có sự thay đổi, ưu tiên du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, hòa mình vào thiên nhiên. Ngành Du lịch Việt Nam đã lên kế hoạch phát triển thêm nhiều loại hình du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ để phù hợp với các phân khúc khách hàng, tập trung vào chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của du khách. Du lịch xanh, du lịch bền vững cũng là chủ đề, định hướng của Năm Du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam và Năm Du lịch quốc gia 2023 tại Bình Thuận.
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Phó Tổng cục trưởng đồng thời nhấn mạnh về tầm quan trọng và cấp thiết của hoạt động chuyển đổi số trong ngành du lịch. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang tập trung triển khai chuyển đổi số trong điểm di sản, di tích lịch sử, phát triển ứng dụng du lịch thông minh, thẻ du lịch thông minh, vé điện tử, số hóa điểm đến… Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam trên các nền tảng số.
Tại buổi làm việc, hai bên đã nhấn mạnh nhu cầu tăng cường trao đổi, hợp tác để thúc đẩy phục hồi du lịch, đồng thời cho rằng hai bên cần xem xét thiết lập cơ chế gặp mặt, trao đổi định kỳ giữa doanh nghiệp du lịch châu Âu và Việt Nam trong thời gian tới để tìm kiếm và tận dụng cơ hội hợp tác, vì sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu tặng quà lưu niệm ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành EU-ABC (Ảnh: TITC)
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: TITC)
Trung tâm Thông tin du lịch