Trong năm 2023, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch, địa phương này tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường kết nối tour tuyến với các tỉnh trong vùng; hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch...
Tuyên Quang là tỉnh giàu truyền thống cách mạng; phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với những thắng cảnh kỳ thú, độc đáo và hấp dẫn. Có sự khởi phát, hội tụ và giao thoa sắc thái văn hóa của các dân tộc vùng Đông Bắc và Tây Bắc với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng quý giá của cộng đồng dân tộc sinh sống từ lâu đời.
Thời gian qua, với nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch được triển khai, hoạt động du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Tuyên Quang đã hình thành một số khu, điểm với sản phẩm du lịch đó là: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào với loại hình du lịch lịch sử, văn hóa...Đặc biệt Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang được Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam chứng nhận “Đêm hội Thành Tuyên có nhiều mô hình đèn độc đáo, lớn nhất Việt Nam”. Du lịch cộng đồng đang phát triển rộng tại các huyện, thành phố, thu hút đông khách du lịch, nhất là các điểm du lịch cộng đồng của huyện Lâm Bình.
Tiếp tục khai thác hiệu quả những lợi thế về tài nguyên du lịch của địa phương, trong năm 2023 tỉnh Tuyên Quang tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch. Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tiếp tục thực hiện Đề án Tổng thể truyền thông về du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tham gia quảng bá du lịch Tuyên Quang trong chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2023; Chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh vùng Đông Bắc với Thành phố Hồ Chí Minh…; phối hợp với các Công ty du lịch lữ hành lớn để khảo sát, tìm hiểu thị trường, kết nối các tour, tuyến quảng bá sản phẩm du lịch nổi bật của Tuyên Quang với các địa phương trọng điểm về du lịch.
Tỉnh Tuyên Quang triển khai các hoạt động truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, con người Tuyên Quang trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội (Youtube, Zalo, Facebook, TikTok)…, các tour du lịch online, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, video, clip giới thiệu, quảng bá về du lịch Tuyên Quang để thu hút du khách đến với Tuyên Quang; phối hợp truyền thông, quảng bá du lịch Tuyên Quang trên các hãng hàng không, chuyến bay trong nước và quốc tế…
Các huyện, thành phố tập trung khai thác các sản phẩm du lịch lễ hội như: Lễ hội Lồng Tông (huyện Lâm Bình, huyện Chiêm Hoá, Na Hang); Lễ hội Động Tiên (huyện Hàm Yên); Lễ hội nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn huyện Lâm Bình; Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La (thành phố Tuyên Quang); hoạt động kỷ niệm 78 năm cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (2/9) tại huyện Sơn Dương...
Bên cạnh đó, tổ chức chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch để kích cầu du lịch phù hợp với từng địa phương như tổ chức Tuần văn hóa, du lịch, Lễ hội hương sắc Na Hang, các hoạt động chợ đêm, tuyến phố đi bộ, biểu diễn văn nghệ, nhạc cụ; nhảy lửa; trưng bày gian hàng sản phẩm OCOP, gian hàng ẩm thực, các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc; các hoạt động du lịch trải nghiệm về nguồn, trải nghiệm nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… thu hút khách du lịch.
Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch trong năm 2023, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có: Du lịch lịch sử; nghỉ dưỡng; tâm linh, lễ hội và sinh thái cộng đồng.
Trong đó, với loại hình du lịch lịch sử, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch lịch sử, trọng tâm là khai thác, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tần Trào đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng khu di tích Đồng Man - Lũng Tẩu trở thành điểm du lịch sinh thái; nâng cao chất lượng dịch vụ làng văn hóa du lịch Tân Lập trở thành điểm đến ấn tượng đối với du khách; phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch Quốc gia.
Du lịch tâm linh, lễ hội, tỉnh Tuyên Quang phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch theo Đề án đã được phê duyệt, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tiến tới các lễ hội Festival và Carnaval (du lịch sự kiện) Tổ chức Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, khai hội chùa Hương Nghiêm tại thành phố Tuyên Quang theo hướng đổi mới cách thức, quy mô tổ chức như rước Mẫu trên sông Lô, gắn với các hoạt động phụ trợ (liên hoan hát Chầu văn; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí khu vực thành phố Tuyên Quang).
Xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên thành sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia. Xây dựng, phát triển lễ hội nhảy lửa của người Pà Then, xã Hồng Quang, huyên Lâm Bình trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Xây dựng các chương trình du lịch gắn với lễ hội theo nguyên tắc tôn trọng bản sắc văn hóa truyền thống: Lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày (Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa); lễ hội cầu mùa (Tân Trào, Sơn Dương), lễ hội Động Tiên và chợ quê (Hàm Yên); hội đua thuyền trên Sông Lô (thành phố Tuyên Quang)...
Đối với loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, địa phương này phát triển Khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế. Tập trung thu hút các dự án đầu tư khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch: Du lịch ngắm cảnh lòng hồ; trải nghiệm tham quan rừng đặc dụng; khám phá hang động; leo thác; cáp treo, khinh khí cầu ngắm cảnh hồ trên cao; thể thao mạo hiểm dưới nước...
Đầu tư xây dựng phát triển các điểm du lịch sinh thái: Thác Bản Ba, thác Khuôn Nhòa, hang Thẳm Mên (xã Trung Hà), thác Lụa (xã Hòa Phú), huyện Chiêm Hóa); Hồ Khản (xã Thái Sơn), thôn Cao Đường (xã Yên Thuận), thác Lăn, thác Mạ Héc (xã Yên Phú), huyện Hàm Yên; soi Tình Húc thành phố Tuyên Quang; hang Khấu Lấu, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn; hồ Hoa Lũng (xã Đại Phú), huyện Sơn Dương... trở thành điểm kết nối du lịch sinh thái của tỉnh.
Đồng thời, xây dựng 01 làng văn hóa dân tộc cấp tỉnh đồng bộ, bài bản, có đặc trưng riêng. Mỗi huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển ít nhất 01 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch. Hỗ trợ duy trì, phát triển các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch. Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang sẽ khai thác xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng với mục tiêu mỗi huyện, thành phố xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch: Huyện Lâm Bình, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; huyện Na Hang phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; huyện Chiêm Hóa phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng; huyện Hàm Yên, Yên Sơn phát triển sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp; huyện Sơn Dương phát triển sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa; thành phố Tuyên Quang phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh...
Phát triển mô hình đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm theo mùa nông nghiệp như: Lễ hội hoa lê, ruộng bậc thang xã Hồng Thái, huyện Na Hang; ruộng bậc thang xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình; khai thác nhà vườn, trang trại, khu sinh thái, khu công nghệ cao phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm như: Cam sành, thanh long ruột đỏ huyện Hàm Yên; làng nghề chè Vĩnh Tân, huyện Sơn Dương; chè Shan Khau Mút xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình bưởi Phúc Ninh, huyện Yên Sơn; cá lồng hồ Na Hang, Lâm Bình...kết nối với các điểm du lịch của tỉnh...
Phương Nga