(TITC) - Ngày 21/02/2023, tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Đặng Hương Giang phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TITC
Đây là hoạt động nhằm triển khai đề tài khoa học cấp thành phố về “Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó quan tâm việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố; Khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng có về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong định hướng phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thạc sỹ Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Với điều kiện đa dạng về hệ sinh thái - tự nhiên, văn hóa và đặc biệt có vị trí thuận lợi kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Nội có tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Hà Nội đang chú trọng khai thác tiềm năng về sinh thái, văn hóa, làng nghề truyền thống nhằm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Nhiều mô hình đã được hình thành và phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm, bốn hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu, như công viên nông nghiệp Long Việt, trang trại Đồng quê, trang trại học đường Vạn An, vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay…
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Tại nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Chi tiêu của du khách đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn chủ yếu là mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở..., chưa chi nhiều cho các dịch vụ ngoài tour do chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ hoặc có nhưng chưa hấp dẫn được du khách, dẫn đến giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn còn nhỏ bé, quy mô đơn lẻ.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Đặc biệt, sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Để có những giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn một cách hiệu quả, bền vững thì cần thiết phải có những nghiên cứu khoa học làm sáng tỏ bản chất của du lịch nông nghiệp, nông thôn, đánh giá được hiện trạng, xác định được những vấn đề trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội, từ đó cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng những mô hình phù hợp nhằm phát huy hiệu quả những thế mạnh về nông nghiệp, nông thôn tại thành phố Hà Nội.
Với tinh thần đó, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội thảo để xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực du lịch và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các cơ sở đào tạo về du lịch, UBND các quận, huyện và một số điểm du lịch trên địa bàn Thành phố nhằm thống nhất tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố, để từ đó có cơ sở đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe trực tiếp 07 báo cáo tham luận làm rõ hơn các nội dung liên quan đến khái niệm, bản chất, vai trò và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Chia sẻ các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thôn theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và bài học vận dụng cho thành phố Hà Nội…
Phát biểu góp ý tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia đánh giá cao về định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội là phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đồng thời khẳng định phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Các đại biểu cũng làm rõ hơn một số tiêu chí đánh giá du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; đề xuất định hướng, quan điểm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư, định hướng phát triển sản phẩm du lịch, kết nối tour tuyến, liên kết các hãng lữ hành với điểm du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp và nông thôn ở Thủ đô.
Các doanh nghiệp tham dự hội thảo cũng đề xuất với Sở Du lịch Hà Nội sớm tổ chức hội thảo với các doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi triển khai các dự án, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, đề xuất UBND thành phố ban hành những chính sách cụ thể về đất đai, quy hoạch, thu hút đầu tư… thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.
Kết luận hội thảo, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cám ơn các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng và đề nghị ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trung tâm Thông tin du lịch