Có Di tích quốc gia đặc biệt đình Tường Phiêu và lễ hội rước Thánh hồi đình rất đặc sắc, xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) còn được biết đến là một vùng trồng hoa, cây cảnh đã được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”. Làng quê cổ kính nằm ven sông Tích với những nét văn hóa riêng đang tạo nên những giá trị mới từ làng nghề trồng hoa, cây cảnh.
Lễ hội rước Thánh hồi đình Tường Phiêu (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ).
Đất của những di sản
Xã Tích Giang nổi tiếng với đình Tường Phiêu - công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của xứ Đoài với phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỉ XVII-XVIII). Đây là một ngôi đình lớn trong vùng còn hiện diện sau thử thách của thời gian và các cuộc chiến tranh.
Đình Tường Phiêu nhìn hướng Tây Nam - hướng ngọn núi Ba Vì - nơi có đền thờ Thánh Tản Viên. Vào những ngày trời quang mây tạnh, đứng ở đình nhìn thấy núi Ba Vì khá rõ. Ngay trước sân đình là đường làng, bên phải là chùa làng - Cựu Linh tự, bên trái cũng là đường làng và đằng sau là khu dân cư.
Đình Tường Phiêu dựng bằng gỗ lim, tường đá ong, đất nung, bao gồm 2 hạng mục chính là Nghi Môn và Đại Bái. Giá trị kiến trúc nghệ thuật của Đình Tường Phiêu chủ yếu ở Đại Bái. Tòa Đại Bái như một ngôi nhà sàn lớn được cách điệu, uyển chuyển, mềm mại bởi hệ thống mái và các đầu đao cong vút cùng kỹ thuật điêu khắc đặc biệt, trạm trổ công phu hình rồng, phượng, tiên nữ cưỡi rồng, cảnh đội lễ lên đình… Đình Tường Phiêu được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 24/12/2018.
Phó Trưởng làng Tường Phiêu Hà Đăng Thự cho biết: Đình Tường Phiêu thờ Thành Hoàng làng là Tản Viên Sơn Thánh và thờ Quán Sơn Thành Hoàng, con rể của Vua Đinh Tiên Hoàng. Tương truyền, Tản Viên Sơn Thánh đã có công dạy người dân nơi đây trị thủy, đánh cá ở dòng Tích Giang. Lễ hội Đình Tường Phiêu mỗi năm có 4 kỳ lễ, riêng lễ Rằm tháng Giêng (tức ngày sinh của Tản Viên Sơn Thánh) là lễ hội lớn nhất kéo dài 3 ngày 14, 15, 16, chính hội là ngày 15 (Rằm tháng Giêng). Đặc biệt, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân làng Tường Phiêu tổ chức lễ hội rước Thánh hồi đình thiêng liêng và đặc sắc. Lễ rước được diễn ra vào buổi tối, kiệu đi tới đâu đuốc đình liệu rực sáng tới đó và đuốc rồng rừng rực quanh các kiệu... Những cây đuốc đình liệu được làm bằng tre, cao cả chục mét, hình dáng như chiếc đó được người dân chuẩn bị suốt cả năm. Bốn cây đình liệu sẽ được thắp sáng trong đêm, soi đường rước Thánh từ đền Ngo về đến đình Tường Phiêu.
Lễ hội đình Tường Phiêu vừa linh thiêng vừa đặc sắc là sự kiện văn hóa tâm linh được trông đợi của người dân vùng ven sông Tích hằng năm. Hiện nay, huyện Phúc Thọ và thành phố Hà Nội đang lập hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu, xã Tích Giang là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Điểm du lịch hấp dẫn
Không chỉ là miền quê của những di sản, xã Tích Giang hôm nay còn được biết đến là một vùng trồng hoa, cây cảnh của thành phố. Từ năm 2005, phong trào trồng cây cảnh đã nở rộ ở Tích Giang, nhà nhà trồng cây cảnh, người người trồng cây cảnh. Hội sinh vật cảnh của xã ra đời đóng vai trò định hướng, tập huấn, hướng dẫn hội viên tạo ra nhiều loại cây có giá trị nghệ thuật; không ít cây sanh, si, đa, tùng… có giá tới hàng trăm triệu đồng. Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ phong trào trồng hoa, cây cảnh này.
Thống kê của UBND xã Tích Giang cho thấy, trên địa bàn xã có 531 hộ trồng hoa, cây cảnh với diện tích 94,9ha. Số lao động làm nghề là 870 người, chiếm 14,7% tổng số lao động trong độ tuổi hiện có của xã. Nghề trồng hoa mang lại giá trị hơn 156 tỷ đồng/năm, chiếm 24,5% giá trị sản xuất của xã Tích Giang. Thu nhập bình quân của các hộ làm nghề trồng hoa đạt 180-210 triệu đồng/hộ/năm. Hiện tại ở xã Tích Giang có nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới để trồng các loại hoa, cây cảnh và có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên như hộ gia đình các ông: Kiều Bình Huấn, Hà Văn Chu, Hoàng Văn Trào, Nguyễn Trí Thanh, Khuất Văn Đức, Nguyễn Xuân Việt...
Chủ tịch UBND xã Tích Giang Nguyễn Đức Chung cho biết: Mới đây, Đề án phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái xã Tích Giang giai đoạn 2022-2025 định hướng đến năm 2030 đã được UBND huyện Phúc Thọ phê duyệt với diện tích 140ha. Triển khai đề án sẽ giúp Tích Giang mở rộng vùng sản xuất, tạo điều kiện, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, địa phương đang phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội xây dựng sản phẩm chứng nhận nhãn hiệu “Du lịch Tích Giang” trong năm 2023, 2024.
Với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống; đồng thời tạo dựng những giá trị mới từ làng nghề hoa, cây cảnh, xã Tích Giang đang nỗ lực để tương lai gần sẽ trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài thành phố, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Nguyễn Mai