Trạm Tấu - Yên Bái không chỉ được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ban tặng với nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nơi đây còn hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc phát huy bản sắc dân tộc được xác định là điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.
Hợp tác xã Du lịch Hải Cường ở khu phố 3, thị trấn Trạm Tấu do anh Vũ Mạnh Cường làm chủ được xây dựng từ năm 2017. Điểm nhấn cốt lõi của khu du lịch này là nguồn suối khoáng nóng tốt cho sức khỏe.
Để phát huy được tiềm năng thế mạnh được thiên nhiên ban tặng, ngoài khai thác hiệu quả nguồn nước nóng tự nhiên phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài huyện, HTX này đã đặc biệt chú trọng đến việc khai thác yếu tố bản sắc vùng miền để xây dựng khu du lịch cũng như tạo sự khác biệt với các khu du lịch khác, từ kiến trúc phòng nghỉ, văn hóa ẩm thực đến văn hóa đều lấy cảm hứng từ bản sắc trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái.
Anh Vũ Mạnh Cường - Chủ nhiệm HTX Du lịch Hải Cường cho biết: "Ngay từ khi bắt đầu làm du lịch, tôi đã đặc biệt quan tâm đến yếu tố bản sắc để xây dựng khu du lịch của mình. Vì thế, các phòng nghỉ mái lợp đều bằng gỗ, các món ăn hầu hết đều là những nguyên liệu do đồng bào làm ra đảm bảo sạch sẽ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, trong các dịp lễ tết, chúng tôi rất chú trọng đến việc tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ với du khách thông qua các điệu múa, bài hát mang đậm bản sắc riêng có của đồng bào Mông và Thái”.
Việc phát huy bản sắc dân tộc trong phát triển du lịch đã tạo được điểm nhấn khác biệt thu hút khách du lịch khi đến nghỉ dưỡng tại suối khoáng nóng Trạm Tấu, đặc biệt là du khách đến từ các thành phố lớn.
Chị Nguyễn Thị Trang Nhung - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Cảm nhận đầu tiên của mình khi đến với suối khoáng nóng Trạm Tấu là giữa không gian núi rừng bao la có một bể khoáng nóng tự nhiên, phong cảnh nên thơ, thoáng đẹp, con người thân thiện, thức ăn có nhiều món lạ, hấp dẫn. Mình sẽ quay trở lại nơi này nhiều lần và giới thiệu cho người thân cùng biết đến”.
Xà Hồ là một trong những xã thu hút lượng khách du lịch lớn nhất của huyện Trạm Tấu. Tính riêng năm 2022, xã Xà Hồ thu hút hơn 6.700 lượt khách du lịch; trong đó, chủ yếu là du lịch leo núi và du lịch cộng đồng. Để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Xà Hồ đã thực hiện nhiều giải pháp để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Cụ thể như tuyên truyền chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; phát huy sự tín nhiệm của người có uy tín trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc, đặc biệt thực hiện Kế hoạch số 18 của UBND huyện Trạm Tấu về bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Địa phương đã thành lập một lớp bảo tồn khèn Mông.
Khách du lịch trên hành trình chinh phục đỉnh Tà Xùa, huyện Trạm Tấu. (Ảnh: Thanh Miền)
Thời gian tới, UBND xã cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông. Ông Giàng A Sáy - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ cho biết: "Xã đã tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như: trang phục, tu sửa các ngôi nhà truyền thống để phục vụ du khách đến tham quan, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống để giới thiệu đến khách du lịch”.
Nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh về phát triển du lịch, năm 2022, huyện Trạm Tấu đã tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện như: tham gia Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc, Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu...
Cùng với đó, từ tháng 10/2022, huyện tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ tối thứ Bảy hàng tuần tại công viên đồi thông Eo Gió để giới thiệu đến du khách các ca khúc, điệu múa, trình diễn nhạc cụ đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong huyện... Qua đó, không chỉ khơi dậy niềm tự hào trong đồng bào dân tộc Mông mà còn góp phần để huyện tiếp tục khai thác tốt tiềm năng phát triển du lịch.
Đồng chí Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Huyện xác định việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái trên địa bàn là một sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện so với các địa phương khác và thực tế hiện nay các sản phẩm du lịch về văn hóa của huyện cũng rất là phong phú như: các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, các nhạc cụ... Chúng tôi đã chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã, thị trấn tiếp tục làm tốt hơn nữa việc phục dựng các lễ hội cũng như trình diễn các hoạt động văn hóa của người Mông để bảo tồn trong đời sống của người dân và quảng bá các giá trị văn hóa đó đến du khách thông qua các hoạt động du lịch”.
Thông qua nhiều hoạt động tích cực để kích cầu, ngành du lịch huyện Trạm Tấu có nhiều bước tiến quan trọng. Năm 2022, lượng khách du lịch đến huyện đạt 95.000 lượt khách du lịch, bằng 118,75% kế hoạch; doanh thu đạt trên 57 tỷ đồng, bằng 101,79% kế hoạch.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống là hướng đi mới để huyện Trạm Tấu tạo bước đột phá trong phát triển ngành "công nghiệp không khói” tiếp tục là hướng đi hiệu quả để Trạm Tấu gặt hái được nhiều thành công trên con đường xóa đói giảm nghèo, hướng tới xây dựng một huyện vùng cao xanh hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.
Thu Hằng (Trung tâm TTVH Trạm Tấu)