Đại công trình hồ chứa nước Phú Ninh, Quảng Nam vừa được chính thức công nhận là di tích quốc gia - danh lam thắng cảnh. Đây là công trình đại thủy nông lớn nhất đất nước tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên được xây dựng sau ngày thống nhât đất nước…
Ông Nguyễn Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay sau khi Bộ Trưởng Bộ VH -TT&DL Hoàng Tuấn Anh ký Quyết định công nhận Hồ Phú Ninh thuộc huyện Phú Ninh (Quảng Nam) là di tích quốc gia - danh lam thắng cảnh, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng tại khu vực này một trung tâm du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc tế.
Hồ Phú Ninh cách trung tâm hành chính huyện Phú Ninh về phía nam và cách TP. Tam kỳ về phía tây nam khoảng 7km.
Theo hồ sơ của UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận danh hiệu trên, khu vực hồ Phú Ninh có diện tích mặt hồ rộng 23.409ha, gồm hơn 20 đảo lớn nhỏ.
Công trình đại thủy nông Phú Ninh với sức chứa 344.000.000m3 nước là một trong những công trình đại thủy nông lớn tầm cỡ quốc gia đảm bảo tưới tiêu cho 23.000ha đất canh tác.
Qua nghiên cứu từ năm 1997 đến tháng 2/2009, nhóm các nhà khoa học tại Trường ĐH Khoa học Huế đã xác định tại khu vực hồ Phú Ninh có 37 loài sinh vật (có 5 loài cá, 17 loài lưỡng cư, bò sát; 15 loài thực vật bậc cao có mạch) có tên trong sách Đỏ Việt Nam; 29 loài lưỡng cư, bò sát trong danh mục sách đỏ thế giới, trong đó có nhiều loài ở tình trạng sắp nguy cấp và rất nguy cấp. Nhóm nghiên cứu cũng xác định 10 loài tảo lam (ngành Cyanophyta) có khả năng độc hại.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ đề xuất xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên nước ngọt tại hồ Phú Ninh với diện tích 11.200ha, tiếp tục nghiên cứu các loài sinh vật nước ngọt bản địa quý hiếm có giá trị để di nhập, thuần hóa về hồ Phú Ninh nuôi thả nhằm bảo tồn nguồn gen theo hướng nuôi bán tự nhiên.
Điều khá đặc biệt là công trình đại thủy nông Phú Ninh được khởi công xây dựng từ năm 1977 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1982, với hàng tỷ ngày công lao động được huy động từ mọi thành phần của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng.
Bình quân, mỗi một người dân Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã đóng góp khoảng hơn 200 ngày công lao động trong gần 6 năm xây dựng. Đây là công trình được xây dựng bằng sức người, không hề có phương tiện máy móc.
Đây cũng là công trình thủy lợi đã đưa gần 1,2 triệu dân Quảng Nam thoát khỏi đói ăn trong những năm 80 của thế kỷ trước. Hiện công trình thủy lợi này đang được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để gia cố bảo đảm an toàn tuyệt đối.