Phục hồi và bảo tồn các vùng đất ngập nước

Cập nhật: 27/02/2023
Với diện tích khoảng 12 triệu ha, vùng đất ngập nước ở Việt Nam đang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chất lượng đa dạng sinh học của các hệ sinh thái đất ngập nước đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày một nghiêm trọng, nhất là các hệ sinh thái vùng biển triều, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao.

Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định.

Vùng đất ngập nước có vai trò lớn đối với con người và thiên nhiên, bởi nó có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ các-bon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu; giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan; lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ nước khi hạn hán; bảo đảm đa dạng sinh học, là môi trường sống của hơn 100 nghìn loài sinh vật; bảo đảm nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho khá nhiều người dân.

Hiện nay, vùng đất ngập nước cung cấp gạo cho 3,5 tỷ người trên thế giới; hơn một tỷ người hiện đang sinh sống dựa vào các vùng đất ngập nước và có tới 40% các loài sinh vật sống hoặc dựa vào những vùng đất ngập nước.

Việt Nam có khoảng 12 triệu ha đất ngập nước, chiếm khoảng 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên quan trọng như các hồ, đầm, rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước ven biển rất có giá trị về đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, chất lượng đa dạng sinh học và các hệ sinh thái đất ngập nước của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày một nghiêm trọng, nhất là các hệ sinh thái vùng biển triều, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn cùng các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm đang bị giảm sút nhanh chóng về cả số lượng và quy mô, diện tích phân bố.

Theo đánh giá của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sự suy thoái và mất đất ngập nước ở nước ta thời gian qua là do chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác quá mức. Các chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất như chuyển từ đất cạn sang đất ngập nước (đắp đập thủy điện, hồ chứa, nuôi trồng thủy sản, quai đê lấn biển, tái định cư…) hoặc thay đổi chế độ thủy văn đã làm suy giảm các giá trị của nhiều vùng đất ngập nước.

Trong khi đó, nhiều địa phương chưa đánh giá đúng và phát huy được giá trị dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước, còn tồn tại các xung đột trong việc hài hòa giữa mục tiêu phát triển và bảo tồn các vùng đất ngập nước. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên của vùng đất ngập nước.

Mặt khác, nguồn lực về tài chính, cơ chế đầu tư trong quản lý đất ngập nước còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, hạn chế hiệu quả quản lý các hệ sinh thái, khu bảo tồn vùng đất ngập nước của Việt Nam…

Đáng lo ngại, theo Sách đỏ năm 2012 của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, tại Việt Nam có ít nhất 135 loài động vật, thực vật cư trú tại các sinh cảnh nước ngọt lục địa, bãi triều và ven biển bị đe dọa trên toàn cầu. Số liệu này có thể gia tăng nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả.

Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Việt Dũng cho biết: Với diện tích khoảng 12 triệu ha, phân bố trên tất cả các vùng sinh thái, vùng đất ngập nước ở Việt Nam đang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các vùng này góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái, là “cái nôi” sinh tồn của hàng nghìn loài sinh vật; đồng thời là nguồn sống của hàng triệu người dân. Nhận thức được tầm quan trọng nêu trên, công tác bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên và đa dạng sinh học của Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Để phát huy giá trị của các vùng đất ngập nước, cũng như khắc phục những khó khăn, bất cập đang gặp phải hiện nay, ngày 29/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030…

Sự suy thoái và mất đất ngập nước ở nước ta thời gian qua là do chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác quá mức.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Theo đó, việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước; tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống chung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng vùng đất ngập nước; bảo đảm cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái khu vực này…

Các chuyên gia lĩnh vực môi trường, đa dạng sinh học cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và huy động sự tham gia, cam kết của cộng đồng trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, dừng các hoạt động gây suy thoái và thúc đẩy phục hồi đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước. Tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước, nhất là phát huy được các giá trị dịch vụ hệ sinh thái và bảo vệ được đặc tính sinh thái của các hệ sinh thái đất ngập nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế-xã hội.

Đồng thời, quản lý các vùng đất ngập nước cần phải dựa trên phương pháp tiếp cận hệ sinh thái, quản lý tổng hợp các đối tượng, các mối quan hệ qua lại tác động lên các thành phần của hệ sinh thái và tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu, các yếu tố xuyên biên giới để bảo đảm duy trì chất lượng dịch vụ hệ sinh thái của đất ngập nước. Huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính đầu tư cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước là nhằm quản lý hiệu quả các hệ sinh thái, khu bảo tồn vùng đất ngập nước của Việt Nam.

Thái Sơn

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 26/02/2023