Với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch", Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 hướng tới loại hình du lịch có trách nhiệm, hưởng ứng chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2023 với mục tiêu du lịch Việt Nam hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện, an toàn cho sức khỏe, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án phát triển du lịch. Đồng thời triển khai chuỗi các giải pháp tổng thể, đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng sống của nhân dân và chất lượng dịch vụ du lịch với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu cả nước và khu vực.
(Ảnh minh hoạ)
Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 là hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức với quy mô và ý nghĩa sâu sắc, khuyến khích người dân Thủ đô nói riêng đi du lịch đến các điểm đến hấp dẫn của Hà Nội như phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, Vườn Quốc gia Ba Vì, làng gốm Bát Tràng, thu hút Nhân dân các địa phương trong nước đến với Thủ đô Hà Nội nói chung; đồng thời tổ chức các chương trình du lịch cho người Hà Nội đi du lịch tới các địa phương, khuyến khích sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch Hà Nội.
Đặc biệt, Lễ hội hướng tới loại hình du lịch có trách nhiệm, hưởng ứng chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2023 với mục tiêu du lịch Việt Nam hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện, an toàn cho sức khỏe, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác.
Theo kế hoạch, Lễ hội tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 24/3 đến ngày 26/3/2023 tại khu vực phía trước tượng đài Cảm Tử (Đền Bà Kiệu), đường Đinh Tiên Hoàng, Nhà Bát Giác, phố Lê Thạch (Hoàn Kiếm) với các hoạt động nổi bật như: Xây dựng các khu không gian chung, gian hàng các tỉnh thành, gian hàng du lịch, không gian ẩm thực, làng nghề. Khu không gian chung: thiết kế các tiểu cảnh 2D, 3D giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội, hình ảnh di sản các địa phương là điểm check-in cho du khách tại khu vực phía trước tượng đài Cảm Tử (Đền Bà Kiệu) và các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch, Nhà Bát Giác. Khu gian hàng các tỉnh thành giới thiệu du lịch và đặc sản địa phương tại phố Đinh Tiên Hoàng. Khu gian hàng của các cơ quan du lịch quốc tế để giới thiệu điểm đến du lịch các nước, thúc đẩy hoạt động du lịch quốc tế. Bố trí các gian hàng và quầy du lịch giới thiệu các sản phẩm tour, combo du lịch, khách sạn, vé máy bay tại phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch. Khu không gian làng nghề, ẩm thực Hà Nội giới thiệu một số sản phẩm làng nghề tiêu biểu, giới thiệu món ăn, đặc sản của Thủ đô…/.
Thảo Phương