Với mục tiêu phát triển huyện Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo theo định hướng tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ngãi xác định phải tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng, hiệu quả...
Đặc trưng riêng có của tỉnh
Với diện tích hơn 10km2, cách đất liền chừng 15 hải lý (khoảng 28km), huyện Lý Sơn là nét đặc trưng riêng có ở Quảng Ngãi với địa chất đặc sắc (được hình thành từ hoạt động phun trào của núi lửa). Nơi đây cảnh quan thiên nhiên đa dạng cùng hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá được hội tụ và kết tinh từ ba nền văn hóa cổ của Việt Nam. Bên cạnh đó, khí hậu thuận lợi với độ nắng dồi dào nhất trong hệ thống các đảo ven bờ, Lý Sơn hội tụ các yếu tố thuận lợi cho việc khai thác phục vụ các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng quanh năm.
Du khách trải nghiệm hoạt động thu hoạch hành, tỏi ở huyện Lý Sơn. Ảnh: PV
Bên cạnh đó, huyện Lý Sơn có thể dễ dàng tiếp cận được với khu kinh tế Dung Quất, TP. Quảng Ngãi, Khu du lịch Mỹ Khê và Khu du lịch Sa Huỳnh. Ngoài ra, Lý Sơn còn nằm trong vùng biển Đông nơi nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Vùng biển này là một trong những hành lang đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, kết nối 9 quốc gia bao gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Với vị trí đặc biệt như vậy, Lý Sơn không chỉ có tiềm năng kinh tế lớn về du lịch và thương mại mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên biển.
Trong những năm qua, Lý Sơn đã nhận được sự quan tâm rất lớn của trung ương; đặc biệt là từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1995/QĐ-TTg ngày 4/11/2014 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn giai đoạn 2015-2020, đã ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn vốn khác xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, điện lưới cáp ngầm xuyên biển, cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống đê biển, cấp nước sinh hoạt, hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở y tế... Cùng với nội lực sẵn có, đến nay Lý Sơn đã có nhiều thay đổi, từng bước phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong đó, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ tăng mạnh (năm 2022 chiếm 46,08%), thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt, thành tựu này nhờ vào sự phát triển bứt phá của ngành du lịch, trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch biển, đảo của Quảng Ngãi.
Còn những “điểm nghẽn”
Theo lãnh đạo huyện Lý Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức tác động bất lợi đến sự phát triển du lịch của huyện. Đó là hạ tầng kết nối và cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng giao thông hạn chế, việc đi lại khó khăn đang là một trong những “điểm nghẽn” khiến du lịch Lý Sơn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện.
Nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế nên lĩnh vực du lịch của Lý Sơn phát triển còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa bền vững, thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng và các dịch vụ chất lượng cao để giữ chân du khách. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước ngọt, nước nhiễm mặn trong mùa hè ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân và ngành du lịch. Công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất trên đảo chưa được tối ưu về chiều sâu và tầm nhìn nên chưa tận dụng và khai thác hết nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy Lý Sơn phát triển.
Theo một số chuyên gia về du lịch, một “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến phát triển du lịch Lý Sơn nữa là chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch chưa cao và thiếu chuyên nghiệp. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy đúng mức. Sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trong tỉnh và giữa Quảng Ngãi với các tỉnh, thành phố chưa cao.
Để trở thành trung tâm du lịch biển, đảo
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang trình trung ương phê duyệt) định hướng phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo (trong đó có nội dung mở rộng đảo trên 430ha), làm hạt nhân trung tâm thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ, du lịch của toàn tỉnh. Khai thác và sử dụng bền vững không gian và tài nguyên biển phục vụ phát triển du lịch; lấy phát triển du lịch gắn liền với văn hoá, lịch sử, giá trị di sản cốt lõi của Quảng Ngãi, du lịch địa chất làm trọng tâm để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng; phát triển du lịch sinh thái làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Trung
Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng xây dựng hình ảnh Lý Sơn là biểu tượng lịch sử, là bảo tàng sống chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Lý Sơn đón khoảng 700 - 800 nghìn lượt khách, trong đó có khoảng 30 - 40 nghìn lượt khách quốc tế (tăng gấp 3 lần so với năm 2019); tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 - 2.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 6.000 - 7.000 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, Lý Sơn đón khoảng 1,5 - 1,6 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 100 - 150 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch 3.000 - 3.500 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 20 - 25 nghìn lao động trực tiếp.
Hiện nay, tỉnh đang xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26 với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo. Có 5 nhóm giải pháp trọng tâm được tỉnh đề ra nhằm thu hút nguồn lực phát triển huyện đảo. Đó là, tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, cùng với nguồn lực từ ngân sách, đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt là việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Lý Sơn trong tương lai sẽ là đòn bẩy tạo sự bứt phá trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch biển đảo; đưa Lý Sơn trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch biển, đảo của Lý Sơn. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí kết nối khu đô thị - dịch vụ tại Lý Sơn; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các lễ hội truyền thống đặc sắc của địa phương; khuyến khích phát triển các loại hình du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, các nước trong khu vực để quảng bá du lịch...
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển huyện Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo, Quảng Ngãi đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư cho phát triển du lịch Lý Sơn phù hợp với thực tế; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong thời gian tới. Đồng thời, xem xét chấp thuận bổ sung Cảng hàng không quốc tế Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Phạm Danh