Lâu nay nhắc đến du lịch xanh là nói đến du lịch bền vững, thân thiện, bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Khách du lịch được trải nghiệm các dịch vụ thân thiện với môi trường, thiên nhiên. Người làm dịch vụ du lịch tận dụng các thế mạnh tự nhiên sẵn có để phát triển du lịch. Ở Tuyên Quang, du lịch xanh đang bước đầu được chú trọng. Tuy nhiên để du lịch xanh ngày càng được khơi dậy rất cần sự quan tâm, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành văn hóa, thể thao, du lịch.
Sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường
Ở nhiều địa phương trong tỉnh đã bước đầu phát triển du lịch xanh thông qua việc tạo ra các sản phẩm du lịch bằng những vật liệu từ thiên nhiên thân thiện với môi trường như mây, tre, nứa, lá; không sử dụng túi nilon và đồ nhựa. Nhất là ở các huyện vùng cao, đồ dùng thân thiện với môi trường để phục vụ nhu cầu của du khách càng được sử dụng phổ biến tại các homestay.
Đồng chí Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, những năm gần đây, nhằm phục vụ phát triển du lịch xanh, huyện đã tăng cường vận động và hướng dẫn, tổ chức cho các hộ làm dịch vụ homestay đi tham quan học tập kinh nghiệm để làm du lịch xanh. Hầu hết hiện nay, tại các homestay trên địa bàn huyện đều sử dụng các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình và phục vụ du lịch bằng đồ đan lát từ mây, tre, nứa, lá, góp phần hạn chế rác thải nhựa và tạo ra không gian thân thiện với môi trường cho du khách.
Những homestay ở vùng cao Lâm Bình hòa mình giữa cây lá
Đến homestay Hoàng Cát, thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chúng tôi như ngập tràn trong không gian của thiên nhiên và hoa lá. Từ những vật dụng nhỏ nhất như giỏ chứa rác, cốc uống nước, mâm cơm, bát, đũa, ghế ngồi, bàn uống nước, lọ hoa, khung tranh hay các điểm cho du khách check-in đều được làm từ những vật liệu như mây, tre, giang, nứa.
Chị Quan Thị Cát, chủ homestay Hoàng Cát cho biết, phát triển du lịch xanh, homestay đã chú trọng đầu tư kiến thiết từ nhà ở, khuôn viên, các công trình phụ trợ, các điểm check-in đều bằng các vật liệu của thiên nhiên để du khách trải nghiệm, cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn về thiên nhiên, môi trường.
Không chỉ phát triển du lịch xanh thông qua việc tạo ra những vật liệu, sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, ở các huyện còn phát triển dịch vụ đưa đón khách bằng xe điện, dịch vụ thuê tham quan bằng xe đạp, tham quan rừng nguyên sinh, thảm thực vật, miệt vườn. Từ 2 năm nay, gia đình chị Chẩu Thị Hành, tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) đã phát triển dịch vụ cho du khách tham quan trải nghiệm vườn cây ăn trái. Du khách khi trải nghiệm tại đây còn có thể hái bưởi, cam, táo thưởng thức và check-in ngay tại vườn. Nhờ phát triển dịch vụ này, gia đình chị đã đầu tư chăm sóc vườn cây ăn trái để ra quả đúng vụ, phục vụ khách tham quan.
Du khách như được hòa mình vào thiên nhiên tại thôn Bản Bon, xã Phúc Yên (Lâm Bình)
Không chỉ ở Na Hang, Lâm Bình, ở các huyện như Yên Sơn, Hàm Yên cũng bước đầu phát triển dịch vụ du lịch tham quan, trải nghiệm các vườn cây ăn trái, tạo các điểm check-in thân thiện, gần gũi với thiên nhiên như trồng các tuyến đường hoa đào, hoa mận cổ thụ, hoa ban đỏ, hoa muồng Hoàng Yến... Đây được xem là hướng đi đúng, vừa tận dụng được thế mạnh của chủ thể làm du lịch, thế mạnh của địa phương cũng như góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, quảng bá hình ảnh thân thiện của đất và người xứ Tuyên.
“Xanh” từ ý thức
Mặc dù có tiềm năng rất lớn và nổi trội về tự nhiên để phát triển dòng sản phẩm du lịch xanh, tuy nhiên phát triển du lịch xanh ở một số nơi vẫn chưa thực sự được khơi dậy và quan tâm. Tại xã Tân Trào, trước đây, nhiều hộ người Tày đã biết đan lát để tạo ra một số sản phẩm du lịch, đồ dùng sinh hoạt từ mây, tre, nứa nhưng đến nay không còn duy trì. Các sản phẩm này chỉ còn lại rất ít trong các homestay. Trên địa bàn xã Tân Trào cũng mới chỉ hình thành được một số điểm check-in phục vụ khách tham quan như cầu tre, một số tuyến đường hoa tại Làng văn hóa Tân Lập, đồng thời hình thành dịch vụ đi bè mảng tham quan hồ Nà Nưa.
Anh Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Du lịch Năm Sao, chủ Homestay Nặm Đíp và Bản Bon (Lâm Bình) cho rằng, một số nơi làm dịch vụ du lịch vẫn chưa chú trọng đưa ra những biển báo, thông điệp bảo vệ môi trường đối với khách du lịch, hoặc nếu có thì rất ít, chưa đúng trọng tâm. Do vậy, muốn khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch xanh cần phải quan tâm đến công tác tuyên truyền để người làm du lịch cũng như du khách khi đến với Tuyên Quang phải “xanh” từ trong ý thức, tức là có ý thức bảo vệ môi trường từ ý tưởng đến hành động một cách thống nhất.
Du khách trải nghiệm các sản phẩm thân thiện với môi trường từ mây, tre đan tại huyện Lâm Bình
Không chỉ các chủ homestay mà các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, người làm dịch vụ du lịch cũng phải được nâng cao nhận thức nếu muốn làm du lịch xanh. Đối với du khách cũng phải được tuyên truyền để du khách nhận thức được rằng, khi đến một điểm tham quan không phải chỉ lưu lại những dấu chân mà còn góp phần làm cho môi trường, cảnh quan ở nơi đó sạch - xanh và đẹp hơn.
Còn theo chị Phạm Thị Hương, hướng dẫn viên quốc tế, chuyên viên Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, muốn phát triển du lịch xanh rất cần vai trò hướng dẫn, định hướng của cấp ủy, chính quyền, trong đó cần xác định những nơi nào có thể phát triển được du lịch xanh để quan tâm định hướng cho người làm dịch vụ du lịch. Đặc biệt, đối với các chủ thể làm dịch vụ du lịch cần được chú trọng tổ chức tập huấn, tham quan ở những nơi đã phát triển dòng sản phẩm du lịch xanh để học tập, áp dụng tại gia đình, địa phương.
Thời gian qua, phát triển dòng sản phẩm du lịch xanh tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của khách du lịch. Đây cũng là xu hướng du lịch được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, do đó cần quan tâm phát triển dòng sản phẩm này.
Bài, ảnh: Thủy Châu