“Bảo mẫu” của những đàn chim trời

Cập nhật: 02/03/2023
Thấy những đàn chim trời bay về đậu, làm tổ trên đất của mình, một số người dân ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã cùng nhau bảo vệ để chúng yên tâm trú ngụ, sinh sản.

Chị em dâu hơn nửa thế kỷ bảo vệ chim trời

Chỉ tay về phía mảnh vườn rộng hơn 1.000m2 ở phía sau nhà, bà Bùi Thị Miện - 80 tuổi, ở thôn Đinh Phùng, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh - nói, đến nay, bà và chị dâu là Đinh Thị Trí (78 tuổi) đã làm tròn di nguyện của mẹ chồng là “giữ nhà cho đàn chim trời”. 

Lúc rảnh rỗi, bà Miện và bà Trí thường vào vườn dạo chơi, nghe tiếng chim kêu - Ảnh: Phan Ngọc

Hơn 60 năm trước, khi bà Miện về làm dâu, khu vườn này đã có rất nhiều chim trời trú ngụ. Bà kể: “Từ ngày về làm dâu, tôi và chị Trí được bố mẹ chồng căn dặn phải bằng mọi cách bảo vệ vườn cây để chim trời có nơi trú ngụ, sinh sản. Suốt mấy chục năm qua, chị em tôi đã thay nhau trông coi, không để bất cứ ai đến săn bắt chim trong vườn”.

Theo một số vị cao niên ở thôn Đinh Phùng, vùng quê này trước kia từng có rất nhiều chim trời tìm về kiếm ăn. Nhưng do nạn săn bắt bừa bãi, chim lần lượt rủ nhau bỏ trốn. Duy chỉ có khu vườn của gia đình bố mẹ chồng bà Miện và bà Trí là có chim bay về. Để làm được điều này, bà Trí cho hay, sau khi bố mẹ chồng mất, cả bà và em dâu đều xây nhà, sinh sống trên phần đất của bố mẹ chồng để lại, thay nhau bảo vệ khu vườn trước nạn săn bắn trộm.

Người phụ nữ 78 tuổi này đã quá quen với cảnh chim đến rồi đi, nhưng mỗi mùa, cảnh ấy vẫn luôn đem lại cho bà những cảm xúc rất khó tả. Mùa chim về trú ẩn, hàng ngàn con chim đủ loại chao lượn trên bầu trời, từng đàn gọi nhau ríu rít, sà xuống các ngọn cây làm huyên náo cả một vùng quê. “Nhưng vào những tháng chim dời đi, dù biết mùa nó sẽ về nhưng tôi vẫn có cảm giác như vắng đi các thành viên trong gia đình” - bà Trí tâm sự.

Bà Miện kể, không ít lần đang ngủ, nghe có tiếng động, bà và bà Trí bật dậy, lấy đá ném vào chỗ có ánh đèn pin để đuổi thợ săn đi: “Những lần như thế, nhiều người chửi rủa bọn tôi, cho rằng chim trời đâu phải của riêng ai”. Bà Trí bổ sung: “Chúng tôi cũng đã làm hết sức mình, thậm chí “điểm mặt” những người hay vào vườn săn bắt chim để báo cho chính quyền địa phương nên cũng bị một số người thù hằn”. Điều mà 2 bà cảm thấy buồn là do các tác động từ thiên tai và nạn săn bắn trộm, chim trời bay về vườn này ngày càng ít dần. 

Để tránh người lạ đột nhập vào vườn bắt trộm chim trời, bà Miện và chị dâu còn nhờ các con mua lưới sắt về làm hàng rào vây hết toàn bộ khu vườn, nuôi thêm một số chó ở phía sau nhà. Chồng của bà Miện và bà Trí đều đã mất từ lâu. 2 bà thường nói với các con: “Chim trời về ở trong vườn nhà là điềm lành, phải coi đó như là tài sản của mình để gìn giữ, bảo vệ”. Họ mong sau khi mình khuất núi, các con, cháu sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ tốt khu vườn này để chim có chỗ ở an toàn.

Ông Nguyễn Văn Duẩn - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lạc - cho biết, việc bảo vệ chim trời của bà Miện và bà Trí mấy chục năm qua là hoàn toàn tự nguyện. Hiện nay, các hộ dân xung quanh cũng góp sức cùng 2 bà bảo vệ đàn chim. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần tuyên dương, trao giấy khen cho bà Miện và bà Trí và hy vọng con cháu của họ sau này sẽ tiếp tục kế nghiệp 2 bà để bảo vệ chim trời.

Lập tổ tự quản bảo vệ chim trời

Xế chiều, khu vực bàu Côi ở xóm Hưng Thủy, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An náo động khác thường bởi tiếng cánh cò vỗ, tiếng cò gọi nhau. Từ khắp mọi nơi, từng đàn cò trắng muốt bay về đây ngủ nghỉ sau một ngày lặn lội kiếm ăn. Khu vực bàu Côi rộng chừng 1,5ha, rậm rạp cây và (một loại cây bụi), xung quanh là cánh đồng lúa, sen. Do có nguồn thức ăn, nước uống dồi dào, khu vực này từng thu hút rất đông cò trắng, cò bợ (cói) bay đến kiếm ăn, trú ngụ. Nhưng do nạn săn bắt bừa bãi, các đàn chim “mất hút” trong nhiều chục năm qua. 

Cò bay về đậu kín đảo nhân tạo trong khu nuôi cá của ông Nguyễn Như Ý ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - Ảnh: Phan Ngọc

Chị Phạm Thị Bích - ở xóm Hưng Thủy - cho biết, từ khoảng giữa tháng 8/2022, bàu Côi lại xuất hiện nhiều đàn cò về trú ngụ, đậu trắng trên các bụi cây. Số lượng cò lúc đông nhất ước tính khoảng 3.000-4.000 con. Ngoài cò trắng, còn có một số loài chim khác như cói, vịt trời, cuốc… Trước đây, cò chủ yếu về bàu Côi để kiếm ăn. Hiện nay, cò kiếm ăn nơi khác, chiều tối mới về đây ngủ nghỉ. Xung quanh đây có nhiều rừng, núi nhưng cò lại chọn vùng đầm nước gần khu dân cư để trú ẩn.

Việc chim trời về trú ngụ được người dân địa phương xem là điềm lành, tín hiệu tốt về môi trường sinh thái. Bởi thế, không ai bảo ai, mọi người đều đồng lòng bảo vệ chim, ngăn cấm săn bắt chim. Để bảo vệ chim trời hiệu quả, hơn 30 người dân địa phương còn tập hợp lại, thành lập “đội bảo vệ cò bàu Côi”. Đội liên tục phát loa kêu gọi người dân chung tay bảo vệ cò, cắm biển cấm săn bắt chim, cò ở các góc bàu, luân phiên canh gác, tuần tra xung quanh khu vực chim trú ngụ.

Anh Phan Đình Dương - thành viên đội bảo vệ cò bàu Côi - cho biết, mỗi khi có người lạ vào xóm, tìm đến bàu Côi, bà con sẽ thông báo ngay cho các thành viên đội bảo vệ. Ban đêm, đội chia nhau đi tuần, khi “có động” ở bàu Côi, các thành viên trong đội bảo vệ và người dân liền có mặt. 

“Thời gian đầu, khi cò mới về, cũng có một số người đến bắt cò, nhưng sau khi cắm biển cấm, tuyên truyền, tình trạng này không tái diễn nữa. Trước đây, người dân thường lên khu vực bàu Côi cắt cỏ, lá cây cho bò, dê nhưng nay họ cũng hạn chế lên đây, có lên thì lên vào buổi trưa, khi cò đã đi kiếm ăn, để tránh động đến đàn cò” - anh Dương nói.

Ông Lưu Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng - cho biết, đội bảo vệ cò bàu Côi hoạt động theo tinh thần tự nguyện. Do ngân sách địa phương hạn hẹp nên chưa có hỗ trợ vật chất mà chỉ động viên để họ duy trì việc bảo vệ chim trời. Ngoài tuyên truyền trên loa phát thanh các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nói chung và chim trời nói riêng, UBND xã cũng yêu cầu công an xã quan tâm lĩnh vực này, kiên quyết xử lý những trường hợp săn, bắn chim trời. Ông nói: “Người dân đồng lòng, có ý thức nên không xâm phạm đến đàn cò. Đến nay, UBND xã chưa phải xử lý trường hợp săn bắt trộm chim, cò nào”. 

Hàng ngàn con cò trú ngụ trên đảo nhân tạo

Nhiều tháng qua, người dân ở xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bất ngờ khi chứng kiến hàng ngàn con cò kéo về trú ngụ trên hòn đảo nhân tạo của một dự án nuôi cá rô phi trong xã. Xế chiều, có hàng ngàn, thậm chí cả vạn con cò trắng bay rợp khu vực nuôi cá này. 

Khu vực đảo nhân tạo này rộng gần 1ha, bên trong có nhiều cây xanh mọc um tùm, bao quanh là một hồ nước rộng để nuôi cá. Ông Nguyễn Như Ý - chủ nhân của hòn đảo nhân tạo này - cho biết, không chỉ cò, trên hòn đảo còn có chim diệc, bìm bịp, bồ câu, gà rừng trú ngụ. Để bảo vệ chim trời, ông đã cho lắp đặt camera giám sát cho toàn bộ khu vực này. Ông cũng yêu cầu bảo vệ phải giám sát chặt, khi phát hiện có người săn bắt thì báo ngay cho công an. Ông dự định sẽ cho trồng thêm cây xanh, mở rộng khu vực để chim trời có thêm không gian trú ngụ.

Phan Ngọc

Nguồn: Báo Phụ nữ TP HCM - phunuonline.com.vn - Đăng ngày 02/03/2023