Năm 2023, tỉnh Đồng Tháp tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng cường trải nghiệm cho khách dựa trên lợi thế về tài nguyên đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp. Đẩy mạnh sự kết nối và nâng cao chất lượng trong chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch.
Năm 2023, Du lịch Đồng Tháp phấn đấu thu hút 3.800.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm, trong đó có 50.000 khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, thân thiện với môi trường, gia tăng trải nghiệm cho khách. Hình thành các tour, tuyến du lịch mới nội tỉnh, liên tỉnh; các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2023 đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo xu hướng mới sau đại dịch, đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng tiếp cận ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong du lịch; tiếp tục phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch.
Thúc đẩy mối quan hệ liên kết hợp tác phát triển du lịch, thiết lập các điều kiện tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích khởi nghiệp sáng tạo, hình thành lực lượng doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn có thương hiệu; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng tiếp cận ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong du lịch. Nghiên cứu phát triển thị trường, xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới, kết nối tour tuyến nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng.
Tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp chủ lực như hoa sen....
Triển khai các tiêu chuẩn quốc gia về du lịch và các dịch vụ có liên quan; Chương trình phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới; Đề án phát triển du lịch; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước; Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái nông nghiệp, hấp dẫn, thu hút được du khách.
Trong năm 2023, tỉnh tiếp tục phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch. Khuyến khích đầu tư các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch phục vụ khai thác loại hình du lịch đường thủy trên tuyến sông Mekong; Phát triển hệ thống quầy hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP Đồng Tháp tại các khu di tích, điểm du lịch, điểm dừng chân; nâng cấp các khu vệ sinh công cộng bảo đảm phục vụ khách du lịch.
Khảo sát, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, nhất là các di tích đã được xếp hạng Quốc gia, Quốc gia đặc biệt và cấp Tỉnh đủ điều kiện để đưa vào các tuyến điểm tham quan du lịch, kết hợp tổ chức các dịch vụ phục vụ du lịch. Phát huy giá trị các lễ hội truyền thống thường niên (Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương - Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, Lễ giỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc, Lễ giỗ Ông, Bà Đỗ Công Tường, Lễ giỗ Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng”,…) kết hợp các hoạt động văn hóa - nghệ thuật - thể dục thể thao - du lịch để phát triển du lịch địa phương.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng cường trải nghiệm cho khách dựa trên lợi thế về tài nguyên đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp. Phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao: Sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp trong chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa - lịch sử (Đình làng - Nhà cổ) kết hợp Lễ hội; du lịch sự kiện/hội nghị - thưởng thức ẩm thực Sen kết hợp mua sắm đặc sản, sản phẩm OCOP; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch đường thủy. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đặc sắc của Đồng Tháp gắn với sản phẩm OCOP, để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Đồng Tháp và hình ảnh địa phương.
Tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL...
Tiếp tục phát triển hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng từng khu di tích, điểm du lịch trọng điểm theo định vị Đề án; Củng cố, nâng chất lượng các Chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Chương trình du lịch trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Xẻo Quít, Chương trình du lịch trải nghiệm mỗi ngày một nghề tại TP. Sa Đéc, Chương trình du lịch đi trong màu xanh của vườn trái cây đặc sản (Quýt hồng Lai Vung, Xoài Cao Lãnh, Nhãn Châu Thành,…).
Nghiên cứu phát triển tuyến du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề, chợ quê, văn hóa địa phương. Đặc biệt, quan tâm các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen, đưa hình ảnh hoa Sen và các sản phẩm từ Sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Sen hồng. Nâng cấp các dịch vụ hiện có và bổ sung dịch vụ mới tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm: Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quít, Gò Tháp và Khu Làng Hòa An thuộc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc. Đồng thời, khai thác giá trị văn hóa nghệ thuật - ẩm thực truyền thống, làng nghề thủ công, nông nghiệp xanh, gắn với câu chuyện mang tính nhân văn, nhân vật lịch sử để thu hút và giữ chân khách du lịch.
Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, để tạo sản phẩm du lịch vùng Mekong, thu hút khách quốc tế, có tính cạnh tranh cao và mở rộng thị phần khách nội địa phía Bắc. Phối hợp với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong liên kết xây dựng hoàn thiện và khai thác tuyến du lịch mới Sắc màu vùng biên (TP.HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang). Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An và Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện Chương trình du lịch “Hành trình ba địa phương một điểm đến” xây dựng sản phẩm du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười, nhằm gia tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Phối hợp với tỉnh An Giang phát triển tuyến du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng....
Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh.
Năm 2022, toàn tỉnh tổ chức đưa, đón và phục vụ 3,5 triệu lượt khách đạt 117,37% kế hoạch năm, tăng 136,71% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 1.660 tỷ đồng, đạt 166,4% kế hoạch năm, tăng 194,91% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, doanh thu du lịch năm 2022 đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2019 – năm trước khi chưa xảy ra dịch Covid - 19. Đứng đầu Cụm liên kết phía Đông ĐBSCL cả về lượt khách và tổng thu du lịch.
Hoàng Long