Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” dự kiến sẽ diễn ra vào tối 25/3 tại TP. Phan Thiết. Với quan điểm nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút, hấp dẫn du khách, ngành du lịch Bình Thuận đã tập trung đổi mới, sáng tạo, nâng chất các sản phẩm du lịch tạo sự hài lòng cho du khách.
Ấn tượng trong lòng du khách
Sau hơn 1 tuần ở Hòa Thắng (huyện Bắc Bình), Thomas (30 tuổi, du khách đến từ Hà Lan) đã ấn tượng với khung cảnh yên tĩnh, không gian mở và bãi biển còn mang nhiều nét hoang sơ ở nơi này. Thomas cho biết, bãi biển rất đẹp, khí hậu ấm áp và con người cũng rất thân thiện. “Cuộc sống nơi tôi ở vốn dĩ rất sôi động và nhộn nhịp, chính vì vậy khi đi du lịch tôi rất muốn đến những nơi yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên. Và nơi đây rất tuyệt, bởi nó còn mang nhiều nét hoang sơ để tôi khám phá, tôi thật sự hài lòng”, Thomas nói.
Năm Du lịch quốc gia 2023 đã bắt đầu khởi động, bên cạnh các điểm du lịch cao cấp, Bình Thuận cũng đã và đang chú trọng khai thác các điểm đến du lịch còn hoang sơ, mới lạ đáp ứng nhu cầu tham quan của nhiều du khách. Cách làm này nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới, tăng sức cạnh tranh để thu hút du khách hiện nay và cả trong tương lai.
Trồng dưa lưới trong nhà màng. Ảnh: Ngọc Lân
Đặc biệt, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã có thế mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu đã mang lại những tín hiệu khả quan. Đơn cử như trang trại Bình An (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) thời điểm này thu hút rất đông du khách đến tham quan trải nghiệm. Những chùm nho trĩu trái, căng mọng, những trái dưa lưới vàng tươi đẹp tựa như các nông trại ở châu Âu khiến du khách thích thú. Anh Dương Văn Toàn – Giám đốc kỹ thuật của trang trại cho biết, trang trại có tổng diện tích khoảng 100 ha, hiện trồng 3 loại cây chính là thanh long, nho và dưa lưới theo hướng hữu cơ. Trang trại được nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm đến tham quan. Lượng khách ngày càng đông, cũng vì thế mà trang trại luôn chăm chút từng phần việc nhỏ nhất nhằm mang lại sự hài lòng cho du khách. “Trước đây do chưa chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất nên chúng tôi không dám đón nhiều khách, trang trại chỉ mở cửa vào những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ với lượng khách từ 150 – 200 khách/ngày. Đến nay tất cả mọi mặt phục vụ nhu cầu của du khách đã ổn định, được đầu tư bài bản nên chúng tôi đã mở cửa đón khách ở tất cả các ngày trong tuần. Có những ngày cao điểm lượng khách lên đến 400 – 500 khách” anh Toàn chia sẻ.
Được tự tay cắt từng chùm nho vừa chín trong vườn cho vào giỏ, chị Hồng Trang (du khách Đồng Nai) cho biết, đây là lần thứ 2 chị quay trở lại trang trại, lần này có nhiều tiểu cảnh, hoa tươi và sự đón tiếp cũng chu đáo hơn rất nhiều. “Được tìm hiểu về quá trình sản xuất nông sản và mua những sản phẩm tươi ngon mang về, cảm giác trải nghiệm thực tế rất là tuyệt vời. Chúng tôi sẽ tiếp tục quay trở lại với nơi này.” chị Hồng Trang nói.
Nhiều giải pháp
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, như thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, xanh - sạch - đẹp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, thể thao...; tập trung khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, làng nghề truyền thống; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đầu tư du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, học tập, nghiên cứu, trải nghiệm hoạt động nông, lâm nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc và phát triển rừng, nuôi trồng thủy sản; phát triển các sản phẩm lưu niệm và ẩm thực đặc trưng của địa phương để tạo sự khác biệt, độc đáo cho sản phẩm du lịch ở địa phương. Đặc biệt, tỉnh đầu tư xây dựng và đã đưa vào hoạt động Bảo tàng Bình Thuận, Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ để bảo tồn, giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa của tỉnh gắn với phát triển du lịch...
Du khách tự tay cắt từng chùm nho vừa chín trong vườn cho vào giỏ.
Nhờ áp dụng nhiều giải pháp, hoạt động du lịch ở Bình Thuận diễn ra ổn định và có sự tăng trưởng trở lại. Chỉ trong tháng 2/2023, lượng khách đến Bình Thuận ước đạt 685.700 lượt, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Doanh thu ước đạt gần 1.770 tỷ, tăng gần 2,7 lần so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, tổng lượng khách đến tỉnh là hơn 1,3 triệu lượt, tăng 2,27 lần so cùng kỳ. Doanh thu ước 3.563 tỷ, tăng 2,83 lần so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế có khoảng 40.500 lượt (tăng 5,3 lần), riêng trong tháng 2 có 20.400 lượt (tăng 7,4 lần), chủ yếu là khách Hàn Quốc và Nga.
Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với 17.500 phòng; gần 1.000 căn hộ và biệt thự du lịch cho thuê, đảm bảo phục vụ đa dạng dòng du khách vào cùng một thời điểm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 25.000 lao động ngành Du lịch, trong đó, khoảng 70% lao động đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh, để chào đón Năm Du lịch quốc gia 2023, Hiệp hội cũng vận động, kêu gọi doanh nghiệp du lịch thành viên đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, các sản phẩm du lịch, đồng thời chú trọng đến nguồn nhân lực để sẵn sàng đón lượng khách lớn trong năm này.
Năm 2023, Bình Thuận đề ra chỉ tiêu thu hút 6,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 200.000 lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch phấn đấu đạt 15.900 tỷ đồng. Với việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” Bình Thuận tiếp tục chú trọng tập trung vào khai thác tiềm năng, lợi thế xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, mới lạ, thu hút được nhiều du khách.
Ngọc Diệp