Với lợi thế sông nước, kênh rạch đan xen cùng những vườn cây trái ngọt lành, tỉnh Bến Tre đang chú trọng đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, Bến Tre có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều năm qua hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn của Bến Tre đã được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình và sản phẩm, dịch vụ du lịch như: Du lịch tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái, du lịch trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân; tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với cây dừa, tham quan và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 41 homestay với sức chứa trên 1.000 khách, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre. Du lịch homestay góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm; đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp của các địa phương trên địa bàn tỉnh bước đầu gắn kết với phát triển du lịch, du khách được hướng dẫn tham quan và mua sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như xoài tứ quý, nghêu, tôm, cua…Hiện nay bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, sầu riêng Cái Mơn, tôm càng xanh, cua biển của Bến Tre được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, đã tạo điều kiện thuận lợi đưa các sản phẩm nông sản chất lượng của tỉnh tiếp cận khách du lịch trong và ngoài nước.
Toàn tỉnh có 57 làng nghề đã được công nhận, trong đó 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề nông nghiệp truyền thống chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công, tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm công đoạn tạo ra sản phẩm như: Sản xuất cây giống, hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt chiếu, đan giỏ cọng dừa, chế biến cá khô, rượu Phú Lễ, kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng...
Cùng với sản phẩm du lịch gắn nông nghiệp đang được khai thác, hiện nay, Bến Tre đang triển khai Đề án Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách, đây là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Định hướng của Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách sẽ là một trung tâm du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí mang tầm quốc gia trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia... để xây dựng, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh kết hợp với phát triển du lịch.
Tại huyện Châu Thành, mô hình tham quan, hái trái cây, vui chơi, nghỉ ngơi trong vườn cây ăn trái từ lâu được xem là sản phẩm du lịch phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Tại địa phương này hiện có 50 điểm du lịch, trong đó riêng xã Tân Phú có 15 điểm du lịch sinh thái miệt vườn đang hoạt động. Nhiều hộ dân có vườn cây ăn trái đặc sản cũng đã liên kết với các điểm du lịch để đón khách vào tham quan, vui chơi, ăn trái cây. Chính quyền địa phương cũng chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các mô hình sản xuất, canh tác nông nghiệp hiệu quả, bảo vệ cảnh quan, môi trường để thúc đẩy phát triển du lịch.
Thời gian tới, để khai thác và phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương phát triển du lịch để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong hành động của các cấp ủy, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Đồng thời, tỉnh tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia... để xây dựng, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh kết hợp với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh nghiên cứu xây dựng, phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, nhất là các loại sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm, Chương trình OCOP để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng, đăng ký, bảo vệ, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với các thương hiệu, sản phẩm, loại hình, dịch vụ du lịch đặc trưng của tỉnh.
Khu vực nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, gắn với bản sắc văn hóa và tập quán canh tác lâu đời Việt Nam và là yếu tố đầu vào quan trọng hình thành nên điểm đến và sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Trong thời gian qua, hoạt động du lịch tại khu vực nông nghiệp đã được khai thác tại nhiều địa phương, tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phong phú tại nhiều vùng quê từ Bắc tới Nam. Nhu cầu và xu hướng khách du lịch nội địa cũng như quốc tế đến các vùng nông thôn, nông nghiệp ngày càng gia tăng.
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, thị trường nông sản bấp bênh thì việc gắn với du lịch sẽ giúp cho các hộ kinh doanh nhỏ có thêm giải pháp để tăng thu nhập, ổn định hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích hiện có. Ngoài việc quảng bá và bán được sản phẩm cho khách du lịch thì một số sản phẩm hoa quả VietGAP hoặc đạt tiêu chuẩn hữu cơ còn được bán với giá cao hơn so với bán cho thương lái.
Trần Hằng