Ða dạng sinh kế để tạo nguồn thu lấy ngắn nuôi dài là giải pháp đã được quan tâm triển khai nhiều trong các lâm phần. Mật ong, chuối, cá, lúa và cả du lịch sinh thái cộng đồng… đã và đang mang lại hiệu quả.
Sở hữu đến 3 mảnh rừng tại Ấp 15, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, 2 trong số đó đã được kê liếp trồng tràm theo hình thức thâm canh hơn 3 năm tuổi, do đó, giá gỗ tràm giảm thấp như hiện nay khiến ông Nguyễn Văn Lời không tránh được lo lắng. Tuy nhiên, nhờ khai thác tốt phần diện tích mặt nước, bờ bao để nuôi cá, trồng chuối và cây ăn trái đã giúp gia đình không phải quá trông chờ vào sản phẩm cây gỗ.
Ông Lời chia sẻ: “Nếu giá không lên sẽ gồng mình để trồng luôn rừng gỗ lớn. Có thể sẽ gặp chút khó khăn nhưng chắc không đến nỗi. Nguồn thu từ chuối, cây ăn trái và các sản vật khác dưới tán rừng cũng có thể giúp gia đình tôi vượt qua được những thời điểm khó khăn”.
Tạo sinh kế phụ là hướng đi phổ biến hiện nay trong các lâm phần trên cả nước. Nói là sinh kế phụ nhưng nhiều mô hình nuôi động vật hoang dã, như chồn, nhím, bồ câu... tại một số vùng rừng ở các tỉnh ÐBSCL đã giúp nhiều bà con trong lâm phần trở nên giàu có.
Nói đến sinh kế phụ, ông Lý Minh Kha, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, kiến nghị, ngành nông nghiệp cần nhiều hơn nữa mô hình sinh kế phụ để phục vụ sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày trong thời gian chờ đợi nguồn thu chính là cây rừng. Còn như hiện nay phụ thuộc quá lớn vào cây rừng mà giá trị mang về lại thấp thì người dân khó có thể phát triển lên được. “Cho đến lúc này, hướng đi mang lại hiệu quả cao nhất là phát triển du lịch sinh thái”, ông Kha nhận định.
Phát triển du lịch sinh thái cũng là hướng đi mà Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đang lựa chọn. Ông Trần Ngọc Thảo cho biết, hiện nay Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm đang phát triển khá tốt, công ty đang tập trung phát triển các loại hình du lịch để tăng giá trị nguồn thu từ rừng.
Theo định hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp từ nay đến năm 2030, tỉnh Cà Mau xác định giải pháp đột phá là tập trung phát triển mạnh mô hình chuỗi lâm nghiệp, để khắc phục tình trạng mất cân đối về cơ cấu giữa biên độ rừng trồng và chế biến sâu, tức trồng rừng đi đôi với chế biến sâu. Cụ thể, đến năm 2025 đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất rừng bình quân 5%/năm; giá trị gia tăng bình quân 4%/năm; năng suất rừng trồng đạt bình quân 30 m3/ha/năm. Diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 10.000 ha…
Ðể đạt được những mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Quân cho biết, ngành đã xác định khâu đột phá cho kinh tế lâm nghiệp là tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Chỉ có hình thành được chuỗi lâm nghiệp mới có tính chất bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng và hình thành được thị trường Hydro Cacbon trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Là nơi có diện tích rừng trên 43.582 ha, chiếm hơn 56% diện tích tự nhiên của huyện, với 6 xã, có 6.700 hộ được giao đất giao rừng, cùng 13 đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng, huyện U Minh đang tập trung nhiều giải pháp để tạo đột phá trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Việc chăm sóc rừng luôn được quan tâm để nâng cao chất lượng sản lượng cây rừng.
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, huyện đang tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của người dân. Ðồng thời, triển khai các mô hình kinh tế, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong trồng rừng, nhất là diện tích trồng rừng tập trung gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, nâng cao đời sống người dân dưới tán rừng.
Liên kết trong sản xuất, tạo vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao phục vụ phát triển ngành chế biến sâu và nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp để tiến tới mục tiêu kinh tế rừng được phát triển nhanh nhất, bền vững nhất, công tác bảo vệ, quản lý rừng đạt kết quả tốt nhất, đời sống người dân trong lâm phần phát triển tốt nhất. Từ đó, không chỉ góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế toàn tỉnh, mà còn phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu.
Nguyễn Phú