Khơi dậy sức mạnh văn hóa: Chia sẻ để tăng tuổi thọ di sản

Cập nhật: 10/03/2023
Di sản sẽ trở nên vô giá trị nếu không được biết đến, không được chia sẻ cho nhiều người, cho các thế hệ sau hiểu về giá trị của nó. Bởi vậy, công tác bảo tồn phải luôn đi đôi với chia sẻ, để đem lại sức sống lâu bền cho di sản.

Cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I khảo sát bản đồ của nhà sưu tầm Lại Quý Dương - Ảnh: Trung tâm cung cấp

Biết cách “lôi kéo” và tri ân ý nghĩa nhất

Trong quá khứ, các di vật, tư liệu lịch sử tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đông đảo công chúng. Hạn chế này là do rào cản ngôn ngữ Hán - Nôm hoặc tiếng Pháp của các di sản này.

Nhưng nhiều năm trở lại đây, Trung tâm đã tổ chức các hoạt động như viết bài, xuất bản sách, trưng bày triển lãm hay tọa đàm, hội thảo. Những nỗ lực đó đã được cộng đồng ủng hộ, đặc biệt là khích lệ không ít nhà sưu tập cá nhân, tổ chức tham gia chia sẻ công khai kho tàng di sản của mình. Một thí dụ tiêu biểu là triển lãm “Cầu Long Biên chứng nhân lịch sử”, sự kiện đầu tiên của Trung tâm đón nhận nhiều tài liệu, tư liệu từ các họa sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia và không ít cá nhân, tổ chức.

Việc vận động các tổ chức, cá nhân chia sẻ di sản của mình cũng hết sức cấp bách. Thực tế không phải cá nhân, tổ chức nào cũng nhận thức được hết giá trị của di vật, tư liệu mình nắm giữ. “Kinh nghiệm của tôi khi làm bảo tàng, nhiều khi người nắm giữ di sản không thấy hết được giá trị đó, nên họ có thể vứt bỏ, đốt đi hay vô tâm làm thất lạc. Như trước đây khi tổ chức triển lãm lịch sử, có khi chúng tôi đến từng gia đình để xin từng bức ảnh, di vật. Kết quả không ít người nói họ đã bỏ đi từ lâu, vậy là chúng ta đã mất đi vĩnh viễn một mảnh ghép lịch sử”, PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhớ lại.

Từ vài thí dụ trên có thể thấy, vấn đề không chỉ nằm ở việc nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về giá trị những di sản họ đang nắm giữ. Mà phải chú trọng hơn nữa tới cả phương thức, chính sách dành cho những cá nhân, tổ chức đã tình nguyện chia sẻ, hiến tặng các tư liệu, di vật… cho bảo tàng hoặc trung tâm lưu trữ. Cùng với đó, các bảo tàng, trung tâm lưu trữ cũng phải chú ý bảo tồn sau nguyên trạng, phát huy giá trị di sản đúng cách tới cộng đồng. Đó là lời tri ân ý nghĩa nhất đối với các cá nhân, tổ chức đã hiến tặng và chia sẻ, đồng thời góp phần khích lệ các nhà sưu tập, tổ chức khác.

Tận dụng sức mạnh truyền thông và tôn trọng quyền sở hữu chính đáng

Trong bối cảnh thế giới phẳng, nơi các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng đóng vai trò quan trọng để kết nối và số hóa di sản, các trung tâm lưu giữ quốc gia đã có sự chuyển mình kịp thời. Theo bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, mới đây nhờ báo đài, truyền thông đưa tin cuộc triển lãm về Hiệp định Paris tổ chức tại đơn vị, Trung tâm lưu trữ thông tin về giải thưởng Nobel (Na Uy) đã đồng ý cung cấp toàn bộ thông tin về giải Nobel Hòa bình năm 1973 liên quan đến việc đề cử giải thưởng cho đồng chí Lê Đức Thọ và ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong thời điểm đó. Hay như câu chuyện về chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” triều Nguyễn bị thất lạc sau năm 1945 và được đưa ra đấu giá ở Pháp. Các cơ quan hữu quan và cộng đồng người yêu di sản ngay lập tức vào cuộc. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cũng đã chia sẻ thông tin trên website để góp tiếng nói pháp lý, chung tay đưa bảo vật quốc gia trở về. Như vậy, nếu tận dụng được sức mạnh của truyền thông đại chúng, thì việc chia sẻ, đón nhận hay hồi hương những di sản quý hiếm và khó tiếp cận như trên là rất khả thi.

Từ góc độ nhà quản lý, ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Di sản văn hóa cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Quốc hội xem xét nhiều sửa đổi trong Luật Di sản vào năm 2024. Đây được kỳ vọng sẽ là nền tảng pháp lý cao nhất để phát huy tốt nhất giá trị tư liệu, di sản thế hệ trước. Ông Phong cũng đặt vấn đề, với sự phát triển của công nghệ 4.0, việc số hóa tư liệu di sản và chia sẻ trên internet là xu thế tất yếu, tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra yêu cầu về vấn đề bảo vệ bản quyền, nhất là đối với những di vật, tư liệu thuộc về tổ chức, cá nhân. Bởi vậy, nếu cá nhân, tổ chức đã sẵn sàng tin tưởng, chia sẻ với các trung tâm lưu trữ, bảo tàng của Nhà nước, họ cũng cần được bảo đảm về việc các di sản phải được lưu giữ nguyên vẹn và quyền sở hữu chính đáng của họ phải được tôn trọng.

Nhà sưu tập Lại Quý Dương, người từng sở hữu hàng trăm tấm bản đồ quý bày tỏ, khi mẹ ông hỏi ông sẽ làm gì với tất cả bản đồ kia? Ông trả lời muốn cất giữ, bảo quản chúng thật tốt. Mẹ ông đã nói một câu khiến ông phải suy ngẫm, đó là nếu chỉ cất giữ cho riêng mình thì đó là những tấm bản đồ chết. Với những người biết thì nó quý hơn vàng, nhưng với những ai chưa hiểu thì chúng không khác gì đống giấy lộn. Chia sẻ câu chuyện của mình, ông Dương nhấn mạnh: Di sản cũng giống như những tấm bản đồ kia, một ngày nào đó sẽ “chết” và thậm chí trở thành vô giá trị nếu không được biết đến, không được chia sẻ cho nhiều người, cho các thế hệ sau hiểu về giá trị của nó. Bởi vậy, công tác bảo tồn phải luôn đi đôi với chia sẻ, để đem lại sức sống lâu bền cho di sản.

Không ít người đã trao tặng hết những “đứa con” tinh thần cho các trung tâm lưu trữ và bảo tàng. Có thể kể tới câu chuyện của nhà sưu tầm bản đồ quê Thái Bình Lại Quý Dương. Năm 2022, nhà sưu tập đã trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia I toàn bộ gần 900 tấm bản đồ. Trong đó gần 400 tấm là bản đồ ruộng đất thời kỳ Pháp thuộc mà ông cất công tìm kiếm, lưu giữ trong nhiều năm. Bắt nguồn từ việc quá say mê bản đồ và sợ rằng thế hệ sau sẽ không hiểu được giá trị tư liệu đó, ông Dương đã đề xuất hiến tặng di sản mình đang sở hữu với mong muốn những tài liệu này sẽ được bảo quản tốt nhất và phát huy giá trị cho xã hội.

Anh Vũ

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 08/03/2023