Tỉnh Bình Thuận xác định công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học biển là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, địa phương này đồng loạt triển khai các giải pháp nhằm duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái khu vực biển.
Theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống Khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận có 02 khu bảo tồn là khu bảo tồn Hòn Cau và khu bảo tồn Phú Quý.
Theo Ban quản lý khu bảo tồn biển Hòn Cau nằm trong ngư trường có hệ tài nguyên đa dạng và phong phú với diện tích 12.500 ha, gồm các hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển... phân bố xung quanh đảo. Khu vực Hòn Cau có 234 loài san hô, 324 loài cá, 119 loài thân mềm, 32 loài da gai kích thước lớn và 46 loài giáp xác, bò sát, trong đó có nhiều loại quan trọng và giá trị kinh tế cao như: tôm hùm bông, tôm hùm đỏ, rùa xanh và đồi mồi...
Hòn Cau còn có hệ thực vật biển rất phong phú và đa dạng, điển hình như rong và tảo. Thống kê còn cho thấy, khu vực Hòn Cau có 34 loài thủy sinh vật nằm trong danh mục quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó 01 loài ở mức độ cực kỳ lớn và 11 loài có mức độ rất lớn. Ngoài ra, vùng biển Tuy Phong nói chung và khu vực đảo Hòn Cau nói riêng còn là bãi đẻ của các loài rùa biển khi đến mùa sinh sản. Công tác bảo tồn biển Hòn Cau hiện nay đang được thực hiện khá tốt đã góp phần duy trì và tái tạo nguồn lợi thủy sản của tỉnh.
Tỉnh Bình Thuận triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ, phát triển các nguồn tài nguyên tại khu bảo tồn biển.
Đối với khu bảo tồn biển Phú Quý, các kết quả điều tra sơ bộ đã ghi nhận được 70 loài thực vật ở cạn, 72 loài tảo biển, 134 loài san hô cứng và 15 loài nhuyễn thể. Vùng biển khơi của Đảo Phú Quý là vùng đánh bắt thuỷ sản quan trọng nhất của tỉnh Bình Thuận, cung cấp nhiều sản phẩm biển có giá trị kinh tế như mực, cá chỉ vàng, cá mú v.v. Hệ sinh thái biển khu vực xung quanh đảo Phú Quý được bảo vệ khá tốt. Tuy nhiên, do chưa thành lập được khu bảo tồn biển Phú Quý nên trong dài hạn vấn đề bảo tồn biển ở khu vực này đứng trước những khó khăn, thách thức khi hoạt động kinh tế của con người ở huyện đảo Phú Quý ngày càng tăng lên.
Vùng biển Bình Thuận là một trong 03 ngư trường lớn nhất của cả nước. Thềm lục địa thuộc tỉnh mở rộng dần từ Bắc đến Nam. Tại vùng biển Bình Thuận có 02 dòng chảy Bắc - Nam và hiện tượng nước trồi, giàu khối động thực vật phù du, tạo ra tiềm năng về tài nguyên sinh vật biển. Trữ lượng hải sản từ 220 đến 240 nghìn tấn, phong phú về chủng loại với nhiều loại hải đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, theo đánh giá của các ngành chức năng, nguồn lợi hải sản vùng biển Bình Thuận khá đa dạng và phong phú, gồm nhiều chủng loại. Trong đó: loài cá ven bờ có 641 loài nằm trong 364 giống, 140 họ, 28 bộ, 02 lớp (loài cá có giá trị sử dụng vùng biển ven bờ có 295 loài, chiếm 46% tổng loài); loài cá khai thác tự nhiên gồm 140 loài (có 53 loài được khai thác thường xuyên, nhất là cá Nục Sò, Nục Thuôn); loài cá tiềm năng làm cảnh có 183 loài (trong đó có thể nuôi thương phẩm có 49 loài).
Vùng biển địa phương này còn ghi nhận khoảng 20 loài mực, trong đó có 06 loài mực nang, 04 loài mực ống, 02 loài mực lá chiếm tỷ trọng cao trong khai thác. San hô có trên 146 loài, trên 100 loài động vật phù du, nhóm động vật giáp xác cũng phong phú với nhiều loài có giá trị kinh tế như Tôm, Ghẹ, Cua... các loài da gai có Hải sâm, Cầu gai, Huệ biển, Sao biển... Riêng hệ thống loài sinh vật của Khu bảo tồn biển Hòn Cau mang đặc tính của hệ sinh thái rạn san hô, bao gồm 324 loài thuộc 115 giống và 41 họ; các họ cá có số lượng loài cao, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, động vật thân mềm…
Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thí điểm dự án đồng quản lý, quyền khai thác và hưởng lợi từ mặt nước biển ven bờ để điều tiết hoạt động khai thác nguồn lợi hải sản trong giới hạn phục hồi. Xây dựng và triển khai mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi Điệp quạt (Ch.nobilis) tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý Sò lông (Anadara antiquata line) góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam…
Tài nguyên biển, đảo, ngư trường bị thu hẹp do hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí; nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác không đúng quy định; chất lượng và hiệu quả hoạt động khai thác hải sản chưa cao; số lượng tàu cá hoạt động khai thác vùng biển khơi, bám biển dài ngày còn ít so với số lượng tàu thuyền công suất lớn hiện có của tỉnh; loài thủy sản có giá trị kinh tế cao còn ít.
Kiểm soát hoạt động phát triển du lịch tại các khu bảo tồn biển được các ngành chức năng địa phương chú trọng nhằm hạn chế tác động tới giá trị tài nguyên.
Nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, các lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng và đất rừng, đến nguồn lợi thủy sản, các hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã. Thực hiện tốt các hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng, có biện pháp ứng phó các tình huống cháy rừng xảy ra.
Tại khu bảo tồn biển Hòn Cau, công tác bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển đang được triển khai thực hiện; hệ sinh thái môi trường tự nhiên trên đảo Hòn Cau đang được bảo vệ, giữ lại môi trường sinh thái hoang sơ đã có; đã trồng thêm 20 hecta rừng, phủ xanh môi trường đảo Hòn Cau. Triển khai thực hiện các Chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: Thực hiện Kế hoạch hành động bảo tồn các loài rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025 tại tỉnh Bình Thuận...
Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học còn được lồng ghép trong các đợt uyên truyền hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn hàng năm. Đồng thời, UBND tỉnh chú trọng triển khai hoạt động bảo tồn hệ sinh thái biển tại khu bảo tồn biển Hòn Cau, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra thường xuyên tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ san hô trái phép trên địa bàn huyện Tuy Phong; duy trì thường xuyên công tác bảo tồn, bảo vệ các loài rùa biển tại đảo Hòn Cau.
Theo UBND tỉnh, để quản lý hiệu quả, mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, ven biển, cần giải pháp về thể chế, chính sách. Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo tồn biển. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền thường xuyên, cần đưa các nội dung về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào chương trình đào tạo, học ngoại khóa của các trường học, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hoạt động quảng cáo, mua bán các loài thủy sản hoặc sản phẩm của loài thủy sản nguy cấp quý hiếm tại các cơ sở buôn bán, trên các trang mạng xã hội, cổng thông tin điện tử để tăng tính nghiêm minh của pháp luật. Thành lập, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào các tổ cộng đồng về khai thác, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh du lịch để chung tay, góp sức bảo vệ môi trường, hệ sinh thái trong khu bảo tồn biển…
Thu Giang