Những năm gần đây, mặc dù các cơ quan quản lý và bảo vệ rừng đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng nạn bẫy bắt thú rừng vẫn âm ỉ, nhức nhối, đe dọa sự sinh sôi, phát triển của nhiều loài động vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.
Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kẻ Gỗ nằm trên địa bàn 3 huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê và Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Nơi đây rất đa dạng các loài động thực vật, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Với đặc thù nằm gần khu dân cư, gắn liền với tập quán sinh sống của người dân nên Khu BTTN Kẻ Gỗ bị nhiều tác động trực tiếp từ con người, gây tổn hại cho các loài động, thực vật đang được bảo tồn.
Một trong những tác động xấu gây ảnh hưởng lớn đến các loài động vật trong khu bảo tồn này là nạn bẫy bắt thú rừng. Nhiều năm nay, việc người dân vào rừng gài bẫy thú rừng diễn ra khá phức tạp, vượt qua sự kiểm soát của cơ quan quản lý, bảo vệ rừng.
Trâu của dân thả vào rừng liên tiếp dính bẫy thú
Do sinh sống ven rừng, từ bao đời nay, người dân xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) có tập quán sống dựa vào rừng, tận dụng các loại lâm sản để tạo thu nhập cho gia đình.
Từ khi rừng Kẻ Gỗ được nhà nước quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên và được bảo vệ nghiêm ngặt, việc chặt gỗ và săn bắt thú rừng bị cấm, nhưng người dân ở đây vẫn duy trì tập quán thả trâu vào rừng, vì theo họ, trâu vào ăn lá, cỏ không gây tổn hại cho rừng. Cứ hết mùa cày cấy thì người dân lùa trâu vào rừng. Cả xã có đến hàng trăm con trâu được thả vào rừng theo cách này gọi là trâu thả luông.
Một con trâu của người dân xã Cẩm Mỹ thả trong rừng thuộc Khu BTTN Kẻ Gỗ bị mắc bẫy thú dẫn đến bị thương nặng ở chân - Ảnh: Người dân cung cấp
Thời gian gần đây, phóng viên Một Thế Giới nhận được phản ánh từ người dân xã Cẩm Mỹ về tình trạng bẫy thú xuất hiện nhiều trong rừng thuộc Khu BTTN Kẻ Gỗ. Khoảng thời gian mà người dân vào rừng gặp nhiều bẫy nhất là từ tháng 10 âm lịch 2022 cho đến tháng Giêng năm nay, đây được coi là mùa bẫy thú rừng. Cách đây một tuần, có một con nghé thả trong rừng bị dính bẫy thú. Ai đó đi rừng bắt gặp đã tháo bẫy khỏi chân cho con nghé, nhưng do bị dây bẫy siết chặt nên chân con vật bị thương gây nhiễm trùng, lở loét.
Trò chuyện với phóng viên, anh Hà (*) (ở xã Cẩm Mỹ) cho hay: “Chỗ con nghé đó bị mắc bẫy thuộc khu vực Cơn Trường, nằm trong Khu BTTN Kẻ Gỗ, từ nhà dân vào đó khoảng vài cây số, vùng này chúng tôi cũng nhiều lần phát hiện bẫy thú. Đây là lần đầu tiên trong năm nay trâu thả luông bị dính bẫy; những năm trước thì xảy ra nhiều, có năm đến 4 con trâu bị mắc bẫy thú”.
Cũng theo anh Hà, hàng năm, sau khi lùa trâu vào rừng thả, các chủ trâu cứ mỗi tháng hai lần đi thăm trâu, nhưng có nhà thì vài tháng mới vào rừng kiểm tra trâu một lần. Những lần đi thăm trâu này, người dân phát hiện rất nhiều bẫy thú rừng được gài kín đáo, họ tháo hoặc phá tất cả những cái bẫy bắt gặp trên đường để tránh cho trâu bị mắc.
“Nếu trâu bị dính bẫy mà không phát hiện kịp thời để tháo bẫy thì vết thương lâu ngày sẽ bị hoại tử, có thể trâu sẽ bị chết. Vì vậy, hàng năm các hộ thả trâu luông thường rủ nhau kết hợp đi kiểm tra trâu và tập trung tìm phá bẫy.
Khoảng ba năm trước, tổng số bẫy chúng tôi thu được trong cả năm là hơn 300 cái, hai năm trở lại đây thì ít hơn nhưng mỗi lần chúng tôi đi rừng cũng tìm và thu được vài chục cái. Mỗi đợt như thế, chúng tôi về báo cho ban quản lý khu bảo tồn để họ đi kiểm tra và phá bẫy. Hoạt động này thì người dân và cán bộ phối hợp với nhau cùng đi”, anh Hà nói.
Bẫy thú được đặt ở nơi kín đáo nên rất khó để phát hiện chiếc bẫy - Ảnh: Khu BTTN Kẻ Gỗ cung cấp
Mặc dù hai năm trở lại đây tình trạng bẫy thú trong Khu BTTN Kẻ Gỗ đã giảm nhiều, nhưng vẫn đang âm ỉ, khiến cơ quan bảo tồn và cả người dân phải ra sức rà soát, xóa bỏ.
Khi được hỏi về nạn bẫy thú rừng trong Khu BTTN Kẻ Gỗ, người dân ở các thôn 1, 2, 3, 4 xã Cẩm Mỹ đều tỏ ra rất bức xúc. Cả bốn thôn này đều có nhiều gia đình thả trâu luông trong rừng Kẻ Gỗ. Vì trâu là tài sản có giá trị lớn, nên họ rất lo lắng cho trâu thả luông nếu không may bị dính bẫy.
Rất khó ngăn chặn triệt để
Trước tình trạng trên, Ban quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ đã phối hợp với các cơ quan chức năng nỗ lực tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; tập trung nhân lực kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở chỗ tìm và phá bỏ, thu bẫy thú. Còn để xác định đối tượng đặt bẫy và xứ lý theo pháp luật thì gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Viết Ninh, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ cho hay, khoảng 3 năm về trước, nạn bẫy thú rừng trong khu bảo tồn còn diễn ra thường xuyên, tuy nhiên từ hai năm nay thì giảm nhiều do ban và các cơ quan chức năng phối hợp tăng cường các biện pháp đồng bộ như tuyên truyền cho người dân, tổ chức nhiều hơn các đợt tuần tra, truy quét bẫy.
Hàng chục chiếc bẫy thú được cán bộ bảo vệ rừng tháo về từ trong Khu BTTN Kẻ Gỗ - Ảnh: Khu BTTN Kẻ Gỗ cung cấp
“Trước đây, việc săn bắt, bẫy thú rừng như một cái nghề của người dân sống ven rừng. Nhưng từ khi được tuyên truyền, người dân nhận thức được hành vi này là vi phạm pháp luật nên nhiều người bỏ hẳn việc bẫy thú. Bên cạnh đó, sự quản lý và tuần tra cũng chặt chẽ hơn đã làm giảm đáng kể số lượng bẫy thú trong khu bảo tồn”, ông Ninh cho biết.
Theo giám đốc khu bảo tồn này, khu vực phát hiện bẫy thú nằm trên địa bàn cả ba huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê và Kỳ Anh. Vị này nhận định người đặt bẫy thú cũng ở tại ba huyện này.
“Trước đây còn xảy ra việc chặt trộm gỗ trong rừng, nhưng hiện nay thì tình trạng này không còn nên chúng tôi đã đặt nhiệm vụ hàng đầu là xóa bỏ nạn bẫy thú. Ba năm trước chúng tôi đi kiểm tra thu được hơn 300 cái bẫy thú trong cả năm, còn năm ngoái với sự tăng cường tuần tra, kiểm tra hơn nên chỉ thu được vài chục cái.
Mặc dù vậy, do cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng quá mỏng so với diện tích rừng quản lý nên việc xóa triệt để nạn bẫy thú rừng là rất khó”, ông Ninh nói.
Những người đặt bẫy thú rừng cũng ngày càng tinh vi, kín đáo hơn. Có khi cán bộ khu bảo tồn đi tuần tra phát hiện lán và vật dụng nấu cơm của những người đi đặt bẫy, tuy nhiên để tìm và phát hiện bẫy lại rất khó vì họ gài và ngụy trang bẫy rất kín đáo. Lực lượng chức năng phá bỏ lán, thu bẫy, nhưng vẫn không thể thu hết được.
Ông Ninh cho biết thêm: “Ngày trước những người đi đặt bẫy thường nấu ăn bằng bếp củi nên chúng tôi dễ phát hiện nhờ trông thấy khói, nhưng hiện nay họ đưa bếp gas theo để dùng nên rất khó phát hiện”.
Đoàn cán bộ Khu BTTN Kẻ Gỗ trong một chuyến đi tuần tra, phá bẫy thú rừng
Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng quản lý, bảo vệ rừng - Khu BTTN Kẻ Gỗ cho biết, để đi từ trụ sở của ban (ở xã Cẩm Mỹ) vào đến nơi có nhiều bẫy thú phải mất gần một ngày cả đi bằng thuyền và đi bộ. Khu vực phát hiện nhiều bẫy nhất là vùng rừng thuộc địa bàn huyện Hương Khê.
“Cán bộ chúng tôi đi tuần tra rừng phải đi từ hai người trở lên, vì đi một mình rất nguy hiểm, lỡ vướng phải bẫy thú và bị mắc sẽ không có người giải cứu. Đã có lần thuyền và vật dụng đi rừng của chúng tôi bị những người bẫy thú đập phá.
"Chúng tôi nắm được thông tin một số người ở huyện Kỳ Anh đi bẫy thú chuyên nghiệp nhưng không bắt được quả tang nên không thể xử lý”, ông Đức cho biết.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ, để kiểm soát và xóa bỏ nạn bẫy thú rừng, năm 2022, ban đã tổ chức 500 lượt đi kiểm tra, tuần tra, cùng hơn 50 lần phối hợp với các cơ quan chức năng và người dân. Mặc dù vậy, lãnh đạo Khu BTTN Kẻ Gỗ vẫn khẳng định rằng rất khó để xóa bỏ triệt để nạn bẫy bắt thú rừng trái phép trong khu bảo tồn này.
Ban quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ được thành lập năm 1997. Năm 2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định sáp nhập Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Hà và Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên vào Ban quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ.
Khu BTTN Kẻ Gỗ nằm ở phía nam tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 15km, thuộc khu vực phía đông dãy Trường Sơn Bắc. Khu BTTN Kẻ Gỗ có tổng diện tích là 44.271,81ha và trải dài qua 3 huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Kỳ Anh.
Khu bảo tồn có đa dạng động vật rừng. Cho đến nay trong phạm vi khu bảo tồn đã ghi nhận 80 loài thú, 298 loài chim, 63 loài bò sát và 33 loài.
Danh mục các loài thú ở Khu BTTN Kẻ Gỗ đã được xây dựng gồm 76 loài thuộc 27 họ, 9 bộ. Trong đó, có 68 loài đã được ghi nhận khẳng định, 8 loài ghi nhận chưa đủ chắc chắn. Trong tổng số 76 loài thú ghi nhận được có đến 17 loài (chiếm 21%) được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như chồn dơi (Cynocephalus variegatus), cu li lớn (Nycticebus coucang), khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), khỉ đuôi lợn (M. nemestrina), khỉ mốc (M. assamensis), voọc vá (Pygathrix nemaeus), vượn má hung (Hylobates gabriellae)…
Tại KBTTN Kẻ Gỗ đã ghi nhận được 23 loài chim có nguy cơ tuyệt chủng thuộc 13 họ và 9 bộ.
Động vật trong khu bảo tồn phân bố không tập trung, thường gặp phân tán ở một số vùng nhất định. Các loài thú chủ yếu phân bố vùng cao, xa trong rừng tự nhiên, gần nguồn nước.
(*): Tên nhân vật đã được thay đổi
Quang Cường