Hiện tại, các Trạm xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang được gấp rút lắp đặt, hoàn thiện để đưa vào khai trương, sử dụng phục vụ người dân, du khách vào ngày 29/3 – Nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng.
Dự kiến, dịch vụ xe đạp công cộng sẽ khai trương vào ngày 29/3 tới. (Ảnh: Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cung cấp)
Đây là dịch vụ xe đạp công cộng đầu tiên được triển khai tại thành phố Đà Nẵng.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng Bùi Hồng Trung, dự án xe đạp công cộng được triển khai theo Nghị quyết số 103/NQ-HĐND ngày 15/12/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Khóa X, Nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ họp thứ 10 về nhiệm vụ năm 2023 và Công văn số 184/UBND-ĐTĐT ngày 12/01/2023 của UBND TP Đà Nẵng giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Thời gian thí điểm là 12 tháng kể từ ngày vận hành. Giá thuê xe vé lượt: 5.000đồng/30 phút và vé ngày là 50.000đồng/ngày, giá này áp dụng đối với tất cả người dân hộ khẩu của thành phố Đà Nẵng và khách du lịch.
Người sử dụng dịch vụ cài đặt ứng dụng TNGO để trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng tại Đà Nẵng.
Số lượng trạm xe đạp là 61 vị trí với khoảng 600 xe trên địa bàn 5 quận, trong đó: Hải Châu 32 vị trí, Thanh Khê 5 vị trí, Sơn Trà 16 vị trí, Ngũ Hành Sơn 5 vị trí và Cẩm Lệ 3 vị trí. Vị trí đặt trạm xe đạp được nghiên cứu lựa chọn nằm trên vỉa hè thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, ưu tiên gần trạm xe buýt để kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng, gần các điểm thu hút, bảo đảm cảnh quan đô thị, không gây cản trở, bảo đảm an toàn giao thông; điều chỉnh linh hoạt số lượng xe, phạm vi bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.
Phương tiện xe đạp TNGO do Công ty CP Tập đoàn Trí Nam cung cấp và khai thác, được thiết kế với hình thức bắt mắt, bền chắc, khung xe thiết kế phù hợp với cả nam và nữ, phù hợp với nhiều lứa tuổi và chiều cao của người sử dụng. Xe thiết kế có khóa chống mất cắp, chống tháo trộm các bộ phận của xe như ghi đông, yên xe, bánh xe, hộp xích….
Mỗi xe đạp được gắn một thẻ ID định danh, lắp đặt khóa thông minh, thiết bị định vị, thiết bị sạc và bộ thu năng lượng mặt trời. Xe đạp được gắn hệ thống khóa thông minh không thể tách rời với xe được hỗ trợ tính năng GPS, đóng/mở khóa xe bằng cách sử dụng ứng dụng TNGO trên điện thoại thông minh để quét mã QR được in trên khóa. Người dùng cài đặt ứng dụng TNGO về điện thoại rồi đăng ký và đăng nhập tài khoản bằng số điện thoại, có thể thanh toán qua các ví điện tử Momo, Zalo, Viettel, VTCPay.
Bảng hướng dẫn sử dụng dịch vụ được lắp đặt tại các trạm xe đạp công cộng. (Ảnh: Anh Đào)
Trong quá trình di chuyển, người dùng có thể khóa xe tạm thời và mở lại khi có nhu cầu đi café, mua sắm. Khi hoàn tất chuyến đi, người dùng có thể trả xe tại trạm bất kỳ. Thông qua giám sát phần mềm trung tâm, đội điều phối theo dõi lộ trình di chuyển của xe và nhận cảnh báo trên hệ thống khi có vi phạm như chạy quá thời gian, không trả xe về trạm, không khóa xe sau khi sử dụng, trộm cắp xe,…
“Sau một năm thí điểm, Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng sẽ tổng kết, đánh giá, báo cáo UBND TP Đà Nẵng xem xét, quyết định nhân rộng mô hình nếu dịch vụ xe đạp công cộng đạt được thành công, góp phần hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới một hệ thống giao thông xanh bền vững. Hiện, Sở đang yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai lắp đặt hoàn thiện các trạm xe đạp cộng cộng và gấp rút hoàn tất các thủ tục liên quan để đưa dịch vụ vào sử dụng, dự kiến khai trương vào ngày 29/3 tới”, ông Bùi Hồng Trung, cho biết thêm.
Anh Đào