Lai Châu: Phát huy hiệu quả lòng hồ thủy điện

Cập nhật: 17/03/2023
Thủy điện Bản Chát (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) đi vào hoạt động tạo thêm nguồn lực để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, điện khí hóa đất nước và góp phần điều tiết nước trên sông Nậm Mu, điều tiết lũ và đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất vùng hạ du…

Nhà máy Thủy điện Bản Chát được xây dựng tại địa phận xã Mường Kim (huyện Than Uyên) có đập đầu mối hồ chứa nằm trên dòng chính của sông Nậm Mu. Ngay sau khi đi vào hoạt động, công trình đã phát huy hiệu quả, đảm bảo cung cấp điện năng.

Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Lòng hồ được điều tiết khoa học góp phần giảm thiểu thiên tai, giúp bà con đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế. Hồ thủy điện cũng mở ra cơ hội phát triển du lịch lòng hồ của huyện Than Uyên. Mực nước dâng cao, hồ trên núi tạo cảnh quan độc đáo, một số vùng ngập tại các xã: Khoen On, Ta Gia, Pha Mu… có sức hút với du khách trong và ngoài tỉnh.

Thủy điện Bản Chát có công suất máy 220MW, sản lượng trung bình hàng năm theo thiết kế là 769,7 triệu KWh. Nhà máy gồm 2 tổ máy, hồ chứa có tổng dung tích 2,1 tỷ m3. Từ khi đi vào hoạt động sản xuất đến nay, thủy điện thực hiện nghiêm túc mọi phương thức vận hành; hạn chế tối thiểu sự cố do chủ quan, xử lý nhanh chóng - chính xác các sự cố khách quan; hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được giao.

Thủy điện Bản Chát xả nước đảm bảo điều tiết nước trong mùa mưa lũ.

Vận hành hồ chứa phục vụ huy động một cách hợp lý công suất các nhà máy thủy điện giảm thiểu các tình huống phải xả tràn, phát huy tối đa hiệu quả nguồn nước qua các tổ máy trên các bậc thang thủy điện. Ngoài ra, thủy điện luôn chủ động phối hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia tính toán thủy văn, lập kế hoạch vận hành hệ thống điện theo năm, tháng, tuần, ngày đảm bảo tối ưu hóa nguồn tài nguyên nước, các tổ máy phát đạt hiệu suất cao nhất, sản xuất điện năng hòa vào lưới điện quốc gia.

Trong công tác an toàn hồ, đập, Thủy điện Bản Chát triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống lụt bão, theo dõi tình hình mưa lũ, vận hành xả lũ, phát điện, xử lý các tình huống bất thường ảnh hưởng đến an toàn vùng hạ du. Định kỳ trước mùa mưa lũ hàng năm, thủy điện thực hiện tuyên truyền phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến Nhân dân. Công tác vận hành xả lũ, phát điện được thực hiện tuân tủ theo đúng quy trình. Ngoài hệ thống còi hụ được lắp trên đỉnh đập có phạm vi cảnh báo 2km, lắp đặt thêm trạm cảnh báo lũ gồm: loa phóng thanh để cảnh báo trong quá trình xả lũ, phát điện; thông báo bằng tin nhắn điện thoại; công văn tới các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của địa phương.

Lòng hồ tạo cảnh quan thu hút du khách thăm quan.

Với diện tích mặt hồ lớn trên 60,5km2 tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong khu vực tận dụng để phát triển kinh tế trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Hiện tại, trên mặt hồ đã có nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản.

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên, chúng tôi được biết, tới thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Than Uyên có hơn 800 lồng cá, chủ yếu nuôi trên lòng hồ thủy điện, đảm bảo cung cấp sản lượng mỗi năm đạt hơn 800 tấn. Phát triển thủy sản trên lòng hồ thủy điện đã giúp các hộ nuôi trồng thủy sản ở các xã: Ta Gia, Khoen On, Mường Mít, Mường Kim, thị trấn có đời sống no ấm hơn. Nguồn nước ổn định còn giúp các hộ sản xuất nông nghiệp vùng ven lòng hồ khai thác hiệu quả đất bán ngập để phát triển cây hoa màu ngắn ngày.

Hiệu quả kinh tế của hồ Thủy điện Bản Chát đã thấy rõ, trong thời gian tới, thủy điện cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn chủ động các phương án an toàn hồ, đập và vận hành an toàn để tiếp tục phát huy hiệu quả.

Bùi Chiến

Nguồn: Báo Lai Châu - baolaichau.vn - Đăng ngày 16/03/2023